Phốt pho là thành phần quan trọng trong các phân tử hình thành cấu trúc tế bào cơ bản và màng tế bào, thậm chí tạo nên bộ khung cho ADN và ARN. Tuy nhiên, nguyên tố này rất khó nắm bắt trên Trái Đất trong thuở sơ khai cách đây hơn 4 tỷ năm.
"Hầu hết phốt pho trên Trái Đất sơ khai bị mắc kẹt trong các khoáng chất không hòa tan và không hoạt động, có nghĩa là chúng không thể được sử dụng để tạo ra các phân tử sinh học cần thiết cho sự sống", tác giả nghiên cứu Benjamin Hess từ Khoa Khoa học Trái Đất và Hành tinh của Đại học Yale cho biết.
Lâu nay, các nhà khoa học vẫn tin rằng thiên thạch đã mang những yếu tố cần thiết cho sự sống tới Trái Đất. Những tảng đá không gian này được biết đến là chứa schreibersite, một khoáng chất phốt pho có thể hòa tan trong nước. Nếu có một số lượng lớn thiên thạch va chạm với Trái Đất, schreibersite là nguồn cung cấp phốt pho phù hợp.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự sống đã bắt đầu trên hành tinh của chúng ta từ 3,5 đến 4,5 tỷ năm trước và trong thời kỳ đó, Trái Đất ít bị tác động từ thiên thạch. Vì vậy, lượng phốt pho hỗ trợ hình thành sự sống có thể bắt nguồn từ một cơ chế khác.
Trong một báo cáo mới trên tạp chí Nature Communications hôm 16/3, Hess cùng các cộng sự đã tìm được bằng chứng cho thấy hàng tỷ tia sét đánh xuống Trái Đất trong quá khứ có thể đã "mở khóa" phốt pho mắc kẹt trong khoáng chất.
Khi Trái Đất còn non trẻ, sét phổ biến hơn vì khí quyển có nhiều carbon dioxide hơn. Hành tinh của chúng ta ngày nay chứng kiến khoảng 560 triệu tia sét mỗi năm. Trong thuở sơ khai, con số này là 1 đến 5 tỷ, với 100 triệu đến 1 tỷ trong số đó đánh xuống mặt đất. Điều đó có nghĩa là sét có thể cung cấp rất nhiều phốt pho.
"Hiểu được vai trò của sét như một cơ chế tạo ra phốt pho 'có thể phản ứng' là rất quan trọng trong việc nghiên cứu nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, cũng như tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ. Phát hiện của chúng tôi có thể áp dụng có bất kỳ hành tinh nào có bầu khí quyển tạo ra sét", Hess nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo CNN)