Hôm nay 22/8, một mùa giải mới của Serie A lại bắt đầu - chín năm kể từ khi Calciopoli làm rung chuyển nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng, năm năm sau khi danh hiệu Champions League gần nhất đến với xứ mỳ ống, và bốn năm kể từ lúc giải đấu này tụt xuống thứ tư châu Âu vì bị Bundesliga vượt mặt.
Nếu thời gian ngừng lại, các tifosi có lẽ muốn nó dừng ở khoảnh khắc Fabio Cannavaro giương cao danh hiệu vô địch thế giới ngày 9/7/2006 tại Berlin (Đức). Bởi khi ấy Italy đã có tất cả, có giải vô địch quốc gia hấp dẫn bậc nhất, có những thần tượng bóng đá đẹp nhất, và chiếc Cup vô địch thế giới mà họ khát khao sau 24 năm đợi chờ.
Nhưng thời gian vẫn phải trôi đi, để tòa án đưa ra phán quyết về vụ Calciopoli. Những xuất chúng còn sót lại của một thuở kiêu hùng không thể cứu vớt sau những cơn bão liên hồi, mà chỉ còn lại hoang tàn và đổ nát.
Serie A bây giờ như giọt lệ đài trang. Mà tiêu biểu cho việc từ lá ngọc cành vàng trở thành kẻ lang thang vô định chính là Parma, một trong "bảy chị em" danh giá thuở nào. Một đội bóng từng sở hữu Veron, Cannavaro, Thuram, Buffon giờ bắt đầu từ Serie D - hạng cao nhất trong hệ thống bóng đá... nghiệp dư Italy. Không chỉ phá sản, mất tên, xuống hạng mà thậm chí họ còn phải rao bán cả những chiếc Cup để sinh tồn. Từ hai Cup UEFA, ba Cup quốc gia Italy đến Siêu Cup châu Âu và một Cup C2 châu Âu - những chứng tích của một giai đoạn vàng son. Đấy là hệ quả của một thời kỳ làm bóng đá cẩu thả, những lần đi đêm, những thương vụ tham nhũng, và những bê bối dàn xếp tỷ số. Hình ảnh Parma hiện tại là một bi kịch quá lớn, khiến cả đất nước hình chiếc ủng phải để tang cho một tượng đài. Nhưng bóng đá Italy đã xác định được rằng họ cần làm lại, và phải bắt đầu từ mùa giải này.
Khi Juventus trở thành á quân Champions League mùa giải 2014-2015, "phục hưng" là cụm từ được nhắc đến rất nhiều. Nhưng thực ra trong chín năm kể từ khi Calciopoli nổ ra, có hai lần Serie A còn làm được nhiều điều hơn thế. Đó là tháng 5/2007, trên đất Athens huyền thoại, AC Milan - với trái tim của chàng trai thiên thần Kaka - vô địch Champions League lần thứ 7. Tháng 5/2010, sân Bernabeu chứng kiến Jose Mourinho cùng Inter đăng quang ở sân chơi này và hoàn tất cú ăn ba lịch sử. Nhưng ngay năm sau đó, Serie A vẫn xuống cấp như bình thường. Những thành tích ấy chỉ giúp cho các tifosi không bị đứt đi sợi chỉ hy vọng, chứ không phải là tạo ra cú hích. Bởi đó là nỗ lực của một cá nhân, một đội bóng, chứ không phải là một nền bóng đá.
Tuy vậy, vẫn có một sự khác biệt nhỏ ở mùa giải trước. Nó không nằm ở Champions League, mà nằm ở Europa League. Khi lượt về vòng 1/8 Europa League kết thúc, Italy có tới năm đại diện ở vòng tứ kết, đó là Inter , AS Roma, Torino, Napoli, và Fiorentina. Kể từ mùa giải 2002-2003, chưa bao giờ Italy có được nhiều đại diện đến như thế ở sân chơi châu Âu. Dù sau đó cũng chung số phận như Juventus là thất bại khi vươn lên đỉnh cao nhất, nhưng sự hiện diện của một số lớn các CLB Italy cho thấy họ đã có sự làm lại rất nghiêm túc, chứ không phải kiểu “ăn xổi” như trong quá khứ.
Năm xưa, bóng đá Đức vượt qua bóng đá Italy chính ở trên mặt trận Europa League mà người Italy coi thường. Bây giờ thì không, những người làm bóng đá Italy đã nhìn ra được rằng vinh quang có đến mà nền móng không vững thì không sớm muộn cũng trở thành phù du. Hãy chú ý cái cách mà Juventus làm ở mùa hè này. Nếu AC Milan 2007 và Inter Milan 2010 để sự già cỗi bủa vây lấy mình sau khi đứng trên đỉnh vinh quang Champions League, thì Juventus không như vậy. Họ lao lên phía trước, ném vào thị trường chuyển nhượng 120 triệu đôla để đưa về Mario Mandzukic, Paulo Dybala, Simone Zaza, Domenico Berardi, Roberto Pereyra (mua đứt) và Alex Sandro. Trừ Mandzukic ngấp nghé tuổi 30, những cầu thủ đó đều rất trẻ và rất hay. Nó thể hiện tham vọng lâu dài , và đó là điều khác biệt của Juventus.
Cứ mỗi mùa giải mới khởi tranh, các tifosi lại quen với chiếc hộp Pandora nhỏ bé, trong đó có hạt giống nhỏ mang tên hy vọng, lại mộng tưởng về một phép màu. Phép màu không tới, và AC Milan vẫn trôi đi, Inter lại bạc nhược, còn AS Roma chỉ mãi nhớ về mùa hè 2001. Nhưng khi gần 400 triệu đôla được tung vào sàn chuyển nhượng hè 2015 từ bốn CLB lớn nhất của Italy là Juventus, Milan, Inter và AS Roma thì tất cả đều hoảng hốt.
Serie A dường như đã nghiêm túc trở lại và đang vùng lên mạnh mẽ. Giải đấu một thời khắc nghiệt nhất hành tinh giờ đã không còn, nhưng vẫn đậm tính chiến thuật nhất thế giới và chưa bao giờ thiếu sự cổ vũ của những con tim hoài niệm.
Chín năm sau Calciopoli, Parma phá sản, tại cột mốc số 0, Serie A nhìn thấy ánh sáng.
Dũng Phan