Khi Serena Williams bước ra sân ở Mỹ Mở rộng 2022 - giải đấu cuối cùng của cô - hôm 29/8, tay vợt diện chiếc váy đen nhỏ cùng sneakers đính 400 viên kim cương. Thiết kế được tạo nên từ sáu lớp, tượng trưng cho sáu lần cô đoạt chức vô địch ở sân chơi này, lấy cảm hứng từ trang phục của vận động viên trượt băng nghệ thuật. Các viên pha lê đính trên thân áo, mô phỏng bầu trời đêm đầy sao - thời khắc cô thi đấu. Vogue nhận xét Williams vẫn luôn gây bất ngờ bằng trang phục đậm chất ngang tàng, sáng tạo.
Theo New York Times, bằng thời trang, Williams đã phá bỏ những rào cản về chủng tộc, tuổi tác, xuất thân và quy tắc ăn mặc cũ của quần vợt. Váy áo thể hiện một phần con người cô: quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin và không ngừng yêu bản thân. Biên tập viên thời trang Gabriella Karefa-Johnson nói với Vogue: "Không phải ngẫu nhiên trang phục của cô ấy thêm một sọc chỗ này, màu neon chỗ kia. Tất cả đều được tính toán, truyền tải thông điệp: phụ nữ xứng đáng được chiêm ngưỡng". John Hoke, giám đốc thiết kế của Nike, người làm việc bên Williams gần 20 năm, nhận xét nếu chấm điểm phong cách, ông dành cho cô số điểm tuyệt đối.
Vốn là môn thể thao dành cho giới quý tộc, quần vợt có những quy định truyền thống, khuôn mẫu về trang phục. Wimbledon bắt buộc người chơi mặc màu trắng, trong khi Australia Mở rộng yêu cầu tay áo chỉ được phép có một biểu tượng, bất kỳ họa tiết nào trên mũ phải "đặc trưng cho quần vợt". Mỹ Mở rộng và Roland Garros cũng đều có những quy định riêng. Nhưng Williams luôn tìm cách biến tấu về phom dáng, màu sắc khiến chúng không đơn thuần là đồ thi đấu mà còn toát lên vẻ thời trang.
Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp vào năm 1995, cô gái da màu đã luôn sử dụng trang phục như một vũ khí. Các bộ đồ của cô được lên ý tưởng, chuẩn bị kỹ càng, được coi là một phần quan trọng suốt sự nghiệp. Thời kỳ đầu, cô chỉ đơn giản thể hiện niềm yêu thích thời trang với quần áo chất liệu denim, đinh tán, họa tiết da rắn và lưới. Dần dần, tay vợt dùng váy áo để kêu gọi chống lại sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Tại Roland Garros 2018, bất chấp quy định không được mặc đồ bó sát, áo liền quần, Williams bước ra sân trong bộ catsuit đen lấy chủ đề nữ chiến binh ở Wakanda - vương quốc trong phim Chiến binh báo đen. Bernard Giudicelli, chủ tịch Liên đoàn quần vợt Pháp, tức giận, nói trên tờ Tennis: "Đôi khi chúng tôi quá dễ dãi và để mọi chuyện đi quá xa, như trường hợp của Serena. Bộ trang phục như thế sẽ không được chấp nhận nữa. Chúng tôi cần tôn trọng các tay vợt khác và đặc biệt là khán giả tới sân".
Tuy nhiên, khán giả nhiệt liệt ủng hộ Serena khi tay vợt tiết lộ cô mặc bộ áo liền quần để giúp máu lưu thông tốt hơn. Trước đó, cô từng nguy kịch khi bị những cục máu đông làm khó thở sau khi sinh con gái đầu lòng tháng 9/2017.
Một năm sau, trở lại giải này, Williams chọn crop top đen trắng và váy tennis kết hợp áo khoác trapeze. Trên áo của cô là những từ tiếng Pháp có nghĩa "mẹ", "nhà vô địch", "nữ hoàng", "nữ thần". Serena bắt tay nhà thiết kế Virgil Abloh thực hiện trang phục và lý giải: "Những từ đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi muốn nhắc nhở phái nữ luôn cần được tôn trọng dù là nhà vô địch, nữ hoàng hay một bà mẹ bình thường". Sau sinh, Williams trải qua giai đoạn khủng hoảng khi vừa làm mẹ, vừa phải giữ phong độ và các thành tích.
Khi bắt đầu chinh phục danh hiệu Grand Slam thứ 24 tại vòng một Australia Mở rộng 2021, tay vợt Mỹ tiếp tục thể hiện gu thời trang bằng catsuit bất đối xứng. Theo Sun Sport, bộ trang phục lấy cảm hứng từ Florence Griffith-Joyner, một trong những nữ vận động viên điền kinh chạy nước rút vĩ đại nhất.
Williams có duyên với thời trang từ ngày thơ bé. Nếu cha, ông Richard Williams, là người hướng các con theo nghiệp thể thao, mẹ cô, Oracene Price, ảnh hưởng lớn đến sở thích váy áo của con gái. Bà Price đã dạy con may vá khi Williams mới hơn hai tuổi. Tay vợt từng nói với Vogue: "Tôi thường xem mẹ đặt tạp chí Vogue ra sàn rồi cắt những mẫu quần áo trong đó ra".
Năm 1998, Williams và chị gái được chọn chụp hình cho tạp chí này. Cô diện đầm đen trắng của Carolina Herrera. Tình bạn của tay vợt và Anna Wintour - tổng biên tập Vogue Mỹ - nảy nở. Wintour gọi Williams là "kẻ không biết sợ hãi" khi bất chấp mọi quy tắc của thời trang. Williams không ngại diện những bộ váy hở dù bắp tay, đùi to. Với cô, không nhất thiết phải đi giày cao gót khi mặc đầm dạ tiệc. Đầm quá khổ, xếp bèo đều được "nữ hoàng quần vợt" thử nghiệm.
Williams đã xóa bỏ một số ranh giới của Vogue, trong đó có việc trở thành nữ vận động viên da đen đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí năm 2012 cùng cầu thủ bóng đá Hope Solo và vận động viên bơi lội Ryan Lochte. Cô tiếp tục làm mẫu solo trên bìa các năm 2015, 2018 và 2022. Nhờ những bộ cánh thời trang trên sân đấu, Williams trở thành khách VIP, cùng Wintour ngồi hàng ghế đầu các show diễn ở Milan, New York...
Năm 2019, cô là một trong những người dẫn chương trình tại Met Gala bên ca sĩ Harry Styles, Lady Gaga, giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của Gucci. Trên thảm đỏ, tay vợt mặc đầm Versace với đôi sneakers thửa riêng của Nike. Williams tiếp bước chị gái Venus, theo học thiết kế tại Học viện Nghệ thuật Fort Lauderdale và thành lập thương hiệu thời trang riêng S by Serena năm 2020. Cùng năm, cô thành lập nhóm thiết kế Serena Williams tại Nike, tạo cơ hội cho các nhà thiết kế da màu trẻ gia nhập. Tại Tuần lễ thời trang Paris hồi tháng 3/2021, cô catwalk trong buổi biểu diễn tưởng nhớ bạn thân - nhà thiết kế Virgil Abloh của Off-White.
Chris Evert - người thống trị quần vợt nữ trong những năm 1970 và 1980 - từng viết thư ngỏ gửi đến Williams trên tạp chí Tennis, cho rằng Williams đã để chuyện ăn mặc làm phân tâm đến sự nghiệp quần vợt. "Tôi đánh giá cao việc trở thành một người toàn diện là điều quan trọng đối với bạn. Tuy nhiên, bạn có bao giờ xem xét vị trí của mình trong lịch sử không? Đó có phải là thứ bạn quan tâm không?", Evert đặt câu hỏi.
Williams chưa bao giờ trả lời. Với những đóng góp của cô trong quần vợt và thời trang, Vogue và New York Times gọi đó là thành tựu đáng trân quý.
Ý Ly