"Đây là bước tiến to lớn trong nỗ lực tạo dựng môi trường an toàn hơn cho con em chúng ta và toàn thể nhân dân", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/5.
Số vũ khí mà chính phủ Serbia thu hồi trong tuần qua, bao gồm vũ khí sở hữu hợp pháp lẫn bất hợp pháp, tính đến ngày 12/5 đạt hơn 9.000 khẩu súng. Ông Vucic nhấn mạnh mục tiêu "giải giáp vũ khí gần như toàn diện" trong xã hội Serbia.
Trong thống kê một ngày trước của Bộ Nội vụ Serbia, chính phủ nước này đã tiếp nhận gần 6.000 khẩu súng không có thông tin đăng ký sở hữu, hơn 300.000 viên đạn và 470 quả mìn, thiết bị nổ được người dân tự nguyện nộp lại.
Tổng thống Vucic công bố loạt biện pháp kiểm soát vũ khí tại Serbia vào ngày 5/5, bao gồm lệnh ân xá đặc biệt với mọi trường hợp tự nguyện nộp lại súng sở hữu trái phép. Lệnh ân xá có hiệu lực từ ngày 8/5 đến 8/6.
Theo quyết định này, người nộp lại vũ khí không cần xuất trình căn cước công dân hay giải thích lý do tàng trữ vũ khí. Người sở hữu súng trái phép còn có thể gọi cảnh sát đến tận nhà để thu hồi vũ khí mà không chịu bất kỳ hệ quả pháp lý nào. Những trường hợp sở hữu súng trái phép nhưng không nộp lại cho chính phủ sau ngày 6/8 sẽ đối diện án tù.
Serbia thực hiện đồng loạt một số biện pháp kiểm soát vũ khí khác như cấm cấp giấy phép sử dụng súng mới, siết quy định đối với người đang sở hữu súng hợp pháp và các trường bắn dịch vụ, tăng án phạt đối với tội danh tàng trữ vũ khí trái phép.
Chương trình thu hồi súng được ông Vucic phát động sau khi nước này trải qua hai vụ xả súng liên tiếp làm 17 người thiệt mạng và 21 người bị thương, trong đó phần lớn là trẻ em.
Vụ xả súng đầu tiên xảy ra tại trường tiểu học ở thủ đô Belgrade ngày 3/5, khi nghi phạm là học sinh lớp 7 khiến 9 người chết. Chỉ một ngày sau, một nghi phạm ngồi ôtô nã đạn vào ba ngôi làng làm 8 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Giáo dục Serbia Branko Ruzic tuyên bố từ chức ngay sau thảm kịch ngày 3/5. Ông nói những hình ảnh mình chứng kiến về hiện trường vụ án, cùng với buổi đối thoại với người thân các học sinh, "sẽ trở thành vết hằn trong tâm hồn suốt phần còn lại cuộc đời".
Theo chương trình Khảo sát Vũ khí Cá nhân, thuộc Viện Cao học Geneva của Thụy Sĩ vào năm 2018, Serbia là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ ba thế giới. Đây là một trong những hệ quả từ chiến tranh Nam Tư vào thập niên 1990.
Thanh Danh (Theo AP, Washington Post)