Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng. Do đó, đại diện VinaCapital cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào tài sản có giá trị tăng trưởng, kết hợp thoái vốn ở các tài sản có giá trị trong danh mục với mức giá cao hơn so với thị trường và tăng cường thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).
- Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2013?
- Một trong những điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam năm nay chính là sự ổn định của tiền đồng so với đồng tiền của các nước trong khu vực và thị trường mới nổi khác. Sự ổn định này nhờ ở chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đã trên 30 tỷ USD và có khả năng đạt hơn 40 tỷ USD vào cuối năm nay.
Về thị trường chứng khoán, VinaCapital nhận thấy vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, chỉ thua Nhật Bản và Philippines. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng từ 15-20%, trong khi thị trường Nhật tăng 40% do đồng yen mất giá so với USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư bằng USD để mua chứng khoán Nhật Bản thực tế chỉ lời 20%. Còn tại Việt Nam, cũng tương tự như vậy, nhà đầu tư kiếm lời xấp xỉ 20% do tiền đồng chỉ mất giá 1% so với USD.
Về xuất nhập khẩu, VinaCapital dự đoán có khả năng nhập nhiều hơn xuất khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế đến hôm nay số lượng nhập so với xuất không chênh lệch nhiều, có thể năm nay khả năng xuất-nhập khẩu vẫn cân bằng. Những doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực phòng vệ như hàng tiêu dùng, y tế và nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận rất khả quan.
Nhìn chung, chúng tôi đánh giá năm 2013 GDP tăng trưởng khoảng 5,3%, CPI dao động trong khoảng 6,5%, còn tăng trưởng tín dụng khoảng 10%.
- Trên nền tảng phân tích các chỉ số vĩ mô cơ bản, ông có thể cho biết tình hình kinh doanh của các quỹ do VinaCapital quản lý ra sao?
- Trong các quỹ đầu tư của VinaCapital, hiện VOF mang lại lợi nhuận lớn nhất với mức trả cổ tức cho các nhà đầu tư là 150 triệu USD. VOF hiện đang có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) là 750 triệu USD. Từ đầu năm đến giờ, NAV của VOF tăng 15%, nếu tính theo niên độ năm tài chính bắt đầu từ tháng 7/2013 thì tăng trưởng từ 2-3%. Riêng phần đầu tư vào công ty niêm yết, xấp xỉ 50% danh mục, thì từ đầu năm đến giờ tăng trưởng 28%, nếu tính từ tháng 7 thì tăng 9,3% nhờ vào mức tăng của HPG, VNM, KDC.
Chiến lược của VOF trong ba tháng cuối năm 2013 và sang năm 2014 là vẫn tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng cao trong lĩnh vực tiêu dùng, y tế, dược phẩm hay hạ tầng.
Đối với quỹ VNL, phần lớn dự án chiếm 66% danh mục tài sản đầu tư tập trung tại TP.HCM. Trong khoảng từ 1-2 năm qua, VNL đã thoái vốn 14 dự án và hiện còn 32 dự án trong danh mục đầu tư. Tính đến cuối tháng 9/2013, NAV của VNL đạt 466 triệu USD với mức chiết khấu 56%, nhưng giao dịch trên thị trường khoảng 200 triệu USD do nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tài sản của quỹ có tính thanh khoản thấp nên chiết khấu tương đối lớn.
Thực tế, điều này không chỉ có duy nhất tại Việt Nam mà các quỹ đầu tư vào bất động sản tại những nền kinh tế đang phát triển cũng chịu mức chiết khấu từ 40-60%. Giá NAV của một chứng chỉ VNL gần 1 USD, nhưng giao dịch trên thị trường chì 0,3-0,4 USD.
Quỹ thứ ba của VinaCapital là VNI có NAV đạt 192,7 tiệu USD và mức chiết khấu gần 30%. Danh mục đầu tư của VNI tập trung vào lĩnh vực viễn thông, chủ yếu là các trạm phát sóng cho điện thoại di động. Hiện Việt Nam có 5.000 – 6.000 trạm thì trong đó VNI đã đầu tư hơn 2.000 trạm. VNI cũng đầu tư vào khu công nghiệp, cầu đường và logistics, 30% danh mục đầu tư vào công ty niêm yết có tính thanh khoản cao. Hiện quỹ đang có lượng tiền mặt khá dồi dào là 30 triệu USD để tiếp tục giải ngân vào các dự án mới.
- VinaCapital có đối diện với rủi ro nào không, thưa ông?
- Nói về rủi ro có thể chia làm hai phần: rủi ro đến từ kinh tế vĩ mô và rủi ro xuất phát từ phía quỹ. Nếu nói về phần vĩ mô thì đó là lạm phát, tỷ giá, nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là những yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài đang lo ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Rủi ro từ phía quỹ chủ yếu liên quan đến lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư. Thứ hai là chiết khấu của quỹ hiện đang cao từ 28-29% do tăng trưởng NAV không cao. Thứ ba là nhiều danh mục đầu tư thanh khoản không cao nên sẽ khó thu hút nhà đầu tư.
Chẳng hạn, VOF đang chiếm 80% tất cả giao dịch nước ngoài liên quan đến Việt Nam. Như vậy, thanh khoản của VOF khá cao, nên chúng tôi cố gắng giữ thanh khoản để thu hút nhà đầu tư, tuy nhiên trong đó cũng có chứa đựng rủi ro, nếu một ngày nào đó, thanh khoản quỹ giảm thì họ không thoái vốn được.
Rủi ro thứ tư là khi đầu tư vào một số tài sản thì không thoái vốn được, không bán được cho nhà đầu tư chiến lược, không đưa công ty lên sàn được. Nhưng may mắn, hiện nay VinaCapital vẫn thoái vốn được, vẫn đầu tư tốt. Chúng tôi đã thực hiện tốt chu trình đầu tư, thoái vốn và mang lại lợi nhuận, cụ thể là trả tiền cổ tức cho nhà đầu tư là 150 triệu USD trong 18 tháng qua.
- Các nhà đầu tư của VinaCapital có quan tâm đến thị trường Myanmar, thưa ông?
- Chúng tôi đưa Myanmar vào tầm ngắm và là thị trường tiềm năng trong tương lai. Hiện vấn đề đầu tư chỉ đang được bàn bạc, thảo luận nên chưa có vấn đề gì cụ thể.
Theo Doanh nhân