Tại cuộc họp chiều 28/11, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than & khoáng sản (TKV) cho biết, tập đoàn này đã cung cấp đủ 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh theo hợp đồng đã ký năm 2018 giữa hai doanh nghiệp, thậm chí vượt kế hoạch đã ký.
Phần tăng thêm, TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bàn bạc thống nhất và sẽ cấp thêm cho nhà máy này khoảng 30.000 tấn trong vài ngày cuối tháng 11 và 200.000 tấn than trong tháng 12. Dự kiến lượng than mà tập đoàn này cung ứng cho Nhiệt điện Quảng Ninh hơn 2,8 triệu tấn, cao hơn so với hợp đồng đã ký.
Ông Trung cũng cho rằng không có chuyện Nhiệt điện Quảng Ninh nằm trong nguy cơ dừng sản xuất do thiếu than mà "chỉ là giảm phát các tổ máy".
"Thông thường họ chạy 3 tổ máy, khi huy động cao thì chạy 4 tổ máy, vừa rồi giảm xuống còn 2. Chúng tôi đảm bảo theo hợp đồng đã ký, thậm chí còn vượt kế hoạch ký trước đó", ông Trung nói.
Cũng theo vị này, để đảm bảo an toàn nguồn, ngoài cung cấp than hàng ngày thì nhà máy đề nghị TKV tăng cung cấp để đảm bảo dự trữ tồn kho tại các nhà máy. Tuy nhiên, trong các cuộc họp giữa tháng 11/2018 dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã cam kết đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất, song không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho, tăng sản lượng điện theo nhu cầu.
Ngoài ra, một trong những trở ngại được ông Trung nêu, hiện nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những nhà máy của EVN chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn này chưa có cơ sn để cân đối nhu cầu của Nhà máy trong dài hạn, chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo nhu cầu", ông bình luận.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó tổng giám đốc TKV. Ảnh: Hoài Thu
"Từ năm 2010 - 2014, TKV nhiều lần đề nghị ký hợp đồng dài hạn cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện. Có hợp đồng này nhà máy nhiệt điện chủ động về nguồn, chúng tôi cũng chủ động về kế hoạch đầu tư. Ngay năm 2017 chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nhiều nhà máy nhiệt điện chưa ký hợp đồng, Bộ cũng đánh giá điều này gây khó cho kế hoạch đầu tư của nhà sản xuất", ông Trung nói.
Theo ông Trung, thời gian tới 2 bên cần phải thống nhất ký hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho nhà máy cũng như chủ động việc bố trí sản xuất, đầu tư của TKV.
Trước đó, chia sẻ với VnExpress, ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, đơn vị quản lý Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, từ giữa tháng 11 công ty này đã phải tạm dừng hoạt động 2 trong số 4 tổ máy vì thiếu than trầm trọng cho sản xuất. Việc tạm dừng 2 tổ máy khiến nhà máy này mất khoảng 10 triệu kWh một ngày, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên nhà máy rơi vào tình cảnh thiếu than cho sản xuất.
Đề cập tới nhu cầu tiêu thụ than trong nước năm 2018, ông Nguyễn Hoàng Trung cho hay, cung cầu đã có sự thay đổi so với trước. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.
Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.
Dù vậy, lãnh đạo tập đoàn này nói rằng đối với than cung cấp cho sản xuất điện, TKV thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các nhà máy điện. Và để tiếp tục cung ứng than cho các nhà máy điện, TKV khẳng định sẽ huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược và nhập khẩu khoảng 500.000 tấn than để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Năm 2019 dự báo nhu cầu than cho điện vẫn sẽ cao, trên 38 triệu tấn. "Tập đoàn xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ", ông Trung thông tin.
Cũng theo ông Trung, năm 2019 có một số khó khăn do nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động cho các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong khi đó, do giá bán than cho các hộ điện hiện nay thấp hơn giá thị trường và thấp hơn giá thành thực hiện năm 2018 khoảng 200.000 đồng một tấn. Giá thành năm 2019 của TKV dự kiến trên 1,66 triệu đồng một tấn, tăng gần 63.000 đồng (khoảng 4%), chủ yếu do chỉ tiêu công nghệ, giá nhiên liệu...
Lãnh đạo TKV đề nghị, cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2019. "Nếu không "chốt" nhanh thì vài tháng nữa sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng như hiện nay", Phó tổng TKV nói.