Hôm 19/9, tại nhà máy Gigafactory Berlin-Grünheide của Tesla ở Đức, giám đốc nhà máy André Thierig và giám đốc nhân sự Erik Demmler thông báo cho lực lượng lao động của họ rằng sẽ đến thăm nhà các nhân viên bị ốm. Sau đó vài ngày, cả hai đã thực hiện việc này. Thierig và Demmler đều mô tả những nhân viên nghỉ ốm nhiều là "thiếu trung thực".
Lý do của hành động trên là tỷ lệ nhân viên nghỉ ốm cao bất thường trong số 12.000 nhân viên ở Grünheide. Vào tháng 8, con số này đã tăng lên 17% và vào đầu tháng 9, nó vẫn ở mức rất cao là 11%, Demmler cho biết. "Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải đến gặp mọi người. Và đó là những gì chúng tôi đã làm", ông nói.
Công đoàn Đức - IG Metall - chỉ trích động thái này từ Tesla. Dirk Schulze, Giám đốc IG Metall vùng Berlin-Brandenburg-Saxony, mô tả đây là "hành động vô lý tiếp theo nhằm chống lại tình trạng nghỉ ốm kéo dài, cao hơn mức trung bình đáng kể tại nhà máy Gigafactory".
Schulze cho biết nhân viên từ hầu hết các bộ phận của nhà máy đều báo cáo về "khối lượng công việc cực kỳ cao", thêm rằng khi thiếu hụt nhân sự, Tesla gây áp lực cho những người nghỉ ốm phải đi làm và giao thêm việc cho những người khỏe mạnh. "Nếu ban quản lý nhà máy thực sự muốn giảm số ngày nghỉ ốm, họ nên phá vỡ vòng luẩn quẩn này", ông nói.
Thierig sau đó bảo vệ cách tiếp cận này. Các chuyến viếng thăm nhà riêng không có gì bất thường - "nhiều công ty làm điều đó", ông nói với hãng thông tấn Đức. "Chúng tôi muốn kêu gọi tinh thần làm việc của lực lượng lao động", giám đốc nhà máy cũng tuyên bố rằng các chuyến thăm đã được nhân viên chấp thuận. Thierig: "Tôi sẽ không loại trừ các chuyến thăm nhà tiếp theo".
IG Metall trước đó cáo buộc giám đốc nhà máy Thierig nghi ngờ nhân viên và đổ lỗi cho các đồng nghiệp bị ốm về các vấn đề doanh số.
"Đó hoàn toàn là điều vô nghĩa", Thierig phản bác tại cuộc họp công ty. "Điều tôi muốn nói là nếu 15-18% nhân viên liên tục nghỉ ốm, chúng tôi phải thuê thêm nhân viên để bù đắp cho những người vắng mặt, điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá xe". Thierig từ chối chấp nhận rằng điều kiện làm việc là nguyên nhân dẫn đến việc nghỉ ốm.
Đối với ông, câu hỏi lớn là "tại sao điều kiện làm việc vào thứ 6 lại tồi tệ hơn nhiều so với thứ 2, bởi vì số người nghỉ ốm vào thứ 6 nhiều hơn 5%". Điều này không liên quan gì đến điều kiện làm việc, Thierig nói, mà là do "thái độ của những người không muốn đi làm vào thứ 6".
Mỹ Anh (theo Handelsblatt )