Tay vợt 29 tuổi người Nga có kết quả dương tính với chất meldonium, khi bị kiểm tra doping tại giải Australia Mở rộng hồi tháng 1/2016. Cô hiện bị cấm thi đấu tạm thời từ hôm 12/3. Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) thời gian tới sẽ quyết định mức phạt chính thức, sau khi có các buổi điều trần để nghe Sharapova giải thích.
Khi được hỏi liệu Sharapova có thể tiếp tục tham gia các giải đấu trong tương lai, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Nga Shamil Tarpishchev trả lời: “Trường hợp của Maria rất tệ. Tôi rất nghi ngờ về khả năng cô ấy sẽ trở lại thi đấu thời gian tới. Vấn đề ở chỗ chính cô ấy đã thừa nhận sử dụng chất meldonium trong nhiều năm trước đó”.
Hồi tháng Ba, Sharapova khi họp báo vẫn tuyên bố: “Tôi quyết tâm trở lại thi đấu quần vợt sau khi vụ việc này kết thúc”. Khi đó, cô còn tin có thể kịp tham dự Wimbledon năm nay, diễn ra vào cuối tháng Sáu đến đầu tháng Bảy.
Nhưng nồng độ meldonium trong mẫu máu của Sharapova vượt mức cho phép.
Vì thế, ngay cả Bộ trưởng Thể thao Nga, ông Vitaly Mutko, cũng tỏ ra lo ngại cho Sharapova. Quan chức này nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình mới đây: “Trường hợp của Masha phức tạp hơn mọi người nghĩ ban đầu. Nồng độ chất meldonium trong mẫu máu xét nghiệp của cô ấy cao hơn bình thường. Tôi sẽ không thể thông báo vào lúc này rằng liệu cô ấy có thể tránh được án phạt hay không. Chúng tôi chỉ muốn cô ấy giành lại được vị thế trong làng quần vợt”.
ITF có thể đưa ra án cấm thi đấu tối đa bốn năm cho trường hợp của tay vợt đã giành năm danh hiệu đơn nữ Grand Slam. Nhưng các chuyên gia cho rằng thời hạn cấm thi đấu sáu tháng hoặc một năm sẽ phù hợp hơn vì quá trình nghiên cứu về tác động của meldonium còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Hồi tháng tư, ngay cả WADA (Cơ quan chống doping thế giới) cũng thừa nhận các nhà khoa học không chắc chắn về thời gian tác dụng của meldonium trên cơ thể người.
Thậm chí, có thông tin rằng các VĐV bị xét nghiệm dương tính với meldonium trước ngày 1/3 có thể thoát án cấm thi đấu, nếu họ chứng minh bản thân đã ngưng sử dụng chất này trước ngày 1/1.
Tuy nhiên, Sharapova đã thừa nhận cô vẫn tiếp tục sử dụng chất này sau ngày 1/1. Tay vợt Nga giải thích rằng cô không biết meldonium mới được đưa vào danh sách chất cấm trong hoạt động thể thao từ tháng 1/2016, vì trước đó cô dùng chất này theo đơn thuốc hỗ trợ bảo vệ tim mạch dưới tên gọi khác là mildronate.
Sharapova dùng meldonium 10 năm qua khi sử dụng loại thuốc được sản xuất tại Latvia. Thậm chí, có tờ báo viết rằng cô dùng “loại chất kích thích do Latvia tạo ra” từ năm 16 tuổi. "
Vì tính phức tạp của vụ việc, án phạt đối với Sharapova có thể chỉ được đưa ra vào tháng Sáu.
Nguyễn Phát