Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Prime Group cho biết, thương vụ sáp nhập với Tập đoàn Xi măng Siam (SCG - Thái Lan) là một dự án đã được Tập đoàn này cân nhắc trong một thời gian dài. Thương vụ có hiệu lực khi cả hai bên đều có được những thoả thuận có lợi song phương.
- Thưa ông, Prime đã có những thay đổi thế nào sau khi SCG tham gia vào hoạt động của công ty?
- Tôi khẳng định từ khi sáp nhập với SCG, không có nhiều thay đổi ở Prime. Từ thương hiệu, hệ thống nhân sự, mạng lưới phân phối, cho đến quyền lợi của các đại lý. Điều thay đổi duy nhất tại Prime hiện nay là chúng tôi được sự chuyển giao công nghệ ở tầm quốc tế của SCG.
- Chiến lược của Prime sau này sáp nhập với SCG là gì thưa ông?
- Prime đặt mục nâng cao sự hiện diện của mình tại thị trường nội địa và về dài hạn là tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hiện Prime đóng góp 20% thị phần thị trường trong nước. Nhu cầu về gạch men ở Việt Nam cao gấp 3 lần so với nhu cầu trung bình trong khu vực. 70% dân số của chúng ta tập trung ở khu vực nông thôn đang phát triển và đô thị hóa, do đó Việt Nam đang là một thị trường rất tiềm năng.
- Từ trước đến nay, khi nói về một thương vụ M&A, nhiều người luôn có suy nghĩ rằng doanh nghiệp bị mua lại gặp khó khăn về tài chính. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng điều này không hoàn toàn đúng. Chẳng hạn như Prime không hề gặp khó khăn về tài chính bởi kết quả kinh doanh của chúng tôi vẫn tăng trưởng đều, dù năm qua nền kinh tế và ngành xây dựng trong nước gặp nhiều khó khăn.
Tôi nghĩ rằng việc sáp nhập với một tập đoàn lớn không phải luôn luôn là điều xấu. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp nhờ việc sát nhập với các công ty lớn, các thương hiệu đã trở nên hùng mạnh hơn. Đó cũng là những gì mà Prime muốn làm khi sáp nhập với SCG.
- Việc một số thương hiệu Việt có nguy cơ bị thôn tính sau khi M&A khiến ông lo ngại như thế nào khi hợp tác với một tập đoàn hùng mạnh như SCG?
- Sáp nhập với SCG là một dự án đã được chúng tôi nghiên cứu và cân nhắc trong một thời gian dài. Thương vụ chính thức có hiệu lực khi cả hai bên đều có được những thoả thuận có lợi song phương. SCG đúng là một tập đoàn rất hùng mạnh nhưng Prime cũng không phải là một thương hiệu non kém. Cũng chính bởi vậy mà SCG đã đồng ý sáp nhập với chúng tôi.
- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để một doanh nghiệp M&A được giá?
- Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất là tìm ra đúng định hướng kinh doanh và những người chèo lái doanh nghiệp phải dám nghĩ, dám làm và thực sự tâm huyết với thương hiệu mình đã tạo ra.
Khi mới khởi động cách đây 14 năm, Prime chỉ là một công ty sản xuất gạch men rất nhỏ tại Vĩnh Phúc. Từ một xưởng, chúng tôi đã phát triển theo hướng xây dựng mạng lưới những cơ sở sản xuất nguyên liệu thô và tạo thành quy trình khép kín. Khi đã có sản phẩm tốt, chúng tôi mới tung chiến dịch truyền thông để làm thương hiệu. Có sản phẩm và thương hiệu tốt thì việc M&A được giá không phải là điều khó.
- Ông có lời khuyên gì với những doanh nghiệp đang có ý định M&A, đặc biệt trong việc tìm đối tác chiến lược?
- Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần có niềm tin vào sức mạnh thương hiệu của mình. Ngoài ra, mục đích M&A cũng cần phải được cân nhắc mọt cách kỹ lưỡng. Bởi với tôi, M&A là để bù đắp một phần thiếu hụt nào đó mà thương hiệu cần có để tồn tại và phát triển. Mà các bạn cũng biết rằng thương hiệu, doanh nghiệp Việt thường bị thiếu hụt về mặt công nghệ hơn là tài chính. Tài chính không phải là tất cả bởi nếu có cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ hiện đại, vấn đề ổn định tài chính sẽ tự đi vào ổn định.
- Theo ông, hiện khung pháp lỹ đã thuận lợi cho các hoạt động M&A tại Việt Nam chưa?
- Các hoạt động M&A hiện nay theo tôi cũng đã tương đối thuận lợi tại Việt Nam. Khá nhiều giao dịch đã thành công và nhiều thương vụ khác đang được thương thảo. Tuy nhiên có lẽ chúng ta cũng cần có những chính sách rõ ràng hơn để bảo vệ thương hiệu Việt trong những thương vụ như thế này để tránh việc hoàn toàn bị yếu thế sau M&A, thâm chí bị xoá sổ.
- Ông nhận định gì về xu hướng M&A tại Việt Nam trong thời gian tới?
Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng và hội nhập mạnh mẽ. Trong thời gian tới khi thị trường chung ASEAN chính thức đi vào hoạt động, M&A có thể còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Và tôi nghĩ rằng điều này sẽ đi theo chiều hướng tích cực bởi các thương hiệu Việt cũng đang dần khẳng định vị thế của mình trước khi mức độ cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Cuối tháng 12/2012, Tập đoàn xi măng Siam (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ). Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này hiện có 6 nhà máy sản xuất gạch với công suất 75 triệu m2 mỗi năm, chiếm 20% thị phần trong nước. Thương vụ này theo dữ liệu của Công ty Dữ liệu và Phân tích Stox Plus có giá trị lớn thứ 6 trong số các giao dịch M&A đến từ các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam. |
Ngọc Tuyên