Tôi là tác giả Ngọc Lan của bài viết “Lương 150 triệu nhưng chỉ tiêu 3 triệu tiền ăn mỗi tháng”. Tôi đã đọc tất cả phản hồi của các bạn về bài viết mà tôi chia sẻ, và xin nói là bài viết này không nhằm đến những người thu nhập thấp, cũng không nhằm đến những bạn tiêu xài thoải mái theo ý thích của mình.
Tôi chỉ muốn nói đến những bạn lương cao nhưng làm hoài mà chẳng thấy dư được đồng nào và luôn than thở, khổ sở vì không đủ tiền để chi tiêu. Các bạn thấy người khác lương thấp hơn hoặc bằng mình mà biết cách chi tiêu, để dành thì lại tỏ ra nghi ngờ, chê bai người ta sống keo kiệt, hà tiện, “chỉ tồn tại chứ không phải là sống”.
Các bạn nói làm được nhiều tiền là phải tiêu nhiều, xài sang thì mới gọi là sống? Tôi đồng ý với quan điểm đồng tiền làm ra là để phục vụ con người nhưng con người không nên làm nô lệ cho đồng tiền.
Tôi là người đã trải qua các mức thu nhập từ thấp đến cao và tất nhiên cũng trải qua các mức chi tiêu từ thấp đến cao, nên tôi mới có thể tự tin nói rằng tôi không phải là người “trên mây trên gió”, cứ phán bừa.
Nếu lương bạn 5 triệu đồng/tháng, bạn khỏe mạnh, chưa có con, không phải giúp đỡ cha mẹ anh chị em thì phần lớn chi tiêu của bạn sẽ tập trung vào các nhu cầu cứng như tiền nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống... thì chuyện một tháng bạn phòng thân cho mình được 1 triệu đồng là bình thường.
Khi mức lương bạn tăng lên 10 triệu đồng/tháng, bạn có thể tăng mức chi tiêu lên một chút, đáp ứng thêm một số mong muốn không quá tốn kém. Nhưng bạn vẫn có thể để dành được 3-4 triệu đồng/tháng.
Nếu bạn tiêu xài thoải mái thì không nên kêu ca là “lương không đủ sống”, “không để dành được gì cả”. Cái gì cũng có giá của nó, tiêu xài thoải mái thì không thể để dành được. Thế thôi.
Nguyên tắc của tôi là các khoản chi đó luôn xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: trước hết là nhu cầu cứng (những thứ buộc phải tiêu), rồi đến nhu cầu mềm (những thứ không thiết yếu nhưng vẫn phải dùng) trong đó có khoản để dành phòng thân và cuối cùng là mới là mong muốn.
Còn nếu hai vợ chồng cùng đi làm, có tổng thu nhập 20 triệu đồng/tháng, có hai con nhỏ thì theo tôi thì họ chỉ vừa đủ đáp ứng các nhu cầu cứng và mềm, nhưng khó mà đáp ứng được mong muốn như mua nhà, ăn nhà hàng, đóng góp cho công tác nhân đạo - từ thiện, đi chơi, đi xem phim, đi du lịch...
Nhiều người nghi ngờ, thắc mắc tại sao lương tôi 150 triệu/tháng mà lại chi tiêu cho tiền ăn là 3 triệu đồng. Tôi xin thưa, những thứ đắt tiền nhất chưa chắc là thứ tốt nhất về chất lượng, hữu dụng và phù hợp nhất với bạn. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng “tiền nào của đó” và “đắt nhất đồng nghĩa với tốt nhất, sang nhất, có ích nhất”. Đây chính là cái bẫy trong chi tiêu.
Ví dụ, sữa ngoại thì luôn mắc hơn sữa nội nhưng chưa chắc đã phù hợp với cơ thể em bé của bạn. Trái cây ngoại nhập thì vừa mắc mà còn không tươi, vì qua vận chuyển lâu ngày, lại có nhiều chất bảo quản, ăn nhiều chỉ tổ mang độc hại vào người. Mỹ phẩm mắc tiền vẫn có thể làm bạn bị dị ứng, nổi mụn nếu nó không hợp da bạn.
Quần áo mắc tiền nhưng không hợp dáng và màu da bạn thì mặc vào vẫn không đẹp. Đi xe hơi thì rõ là có nhiều cái lợi, vì mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nhưng trong điều kiện đường xá ở TP HCM hay Hà Nội thì có xe hơi nhiều khi lại là cái tội, cái nợ.
Lại nói đến chuyện giao tế. Giao thiệp rộng chưa chắc đã được việc, mà giao tế giỏi cũng không buộc phải tốn nhiều tiền. Nếu tiền bạc của bạn eo hẹp mà đám cưới nào người ta mời bạn cũng đi, hoặc không đi mà vẫn phải gởi tiền mừng thì thật khổ. Chẳng lẽ bạn phải nhịn ăn để mừng người khác cưới?
Nhưng nếu bạn muốn đi mà không thể có tiền mừng, hoặc không đi và cũng không gởi tiền mừng thì giải quyết thế nào? Nếu đó là người bạn, người bà con rất thân thiết thì bạn có thể thú thật trước với họ là bạn đang gặp khó khăn về tiền bạc, tuy không có tiền mừng nhưng bạn có thể đề nghị đóng góp công sức cho việc tổ chức lễ cưới và chúc phúc cho người đó.
Nếu người bạn hay người bà con của bạn vì thế mà không thông cảm cho bạn thì bạn nên xem lại họ có thật là bạn thân hay bà con tử tế không. Với người chỉ quen biết sơ, bạn có thể không đi, cũng không mừng tiền cưới, cũng không bỏ công giúp đỡ, nhưng vẫn có thể gởi thiệp chúc mừng cho cô dâu chú rể.
Với bạn bè khi đi ăn uống thì cùng góp tiền trả, hoặc thay phiên nhau trả, nhưng việc này không thể quá thường xuyên. Nếu bạn nghèo hơn các bạn của mình, bạn vẫn có thể mua đồ về nhà nấu và mời họ đến ăn, vừa ít tốn kém lại vừa quý vì bạn chịu khó bỏ thời gian, công sức để nấu bữa ăn.
Với đồng nghiệp, theo tôi thì cư xử với nhân viên, hoặc đồng nghiệp đàn em của mình khó hơn là với cấp trên. Lâu lâu bạn cũng cần mời nhân viên đi ăn trưa hoặc ăn tối, hoặc mời đến nhà ăn, và bạn phải chi (cái này không có đem hóa đơn về bắt công ty trả được).
Hoặc nhân viên dưới quyền bạn có việc cưới hỏi, tang ma thì bạn cũng phải chi (và còn phải chi sao cho “coi được”). Khi bạn đã có nhân viên dưới quyền nghĩa là bạn đã là sếp (không lớn thì cũng nhỏ), nghĩa là lương bạn phải cao hơn lương nhân viên, nhưng chưa chắc bạn đã giàu có hơn nhân viên mình, vì bạn phải nuôi con nhỏ, cha mẹ già, trong khi nhân viên thì gia đình khá giả, đi làm chỉ nuôi thân.
Đây là cái khó của bạn. Nếu quá khó khăn thì cũng đành thú thật với người nhân viên đó và gởi thiệp mừng thôi. Còn nếu bạn đã nghèo lại sĩ diện hão thì bó tay! Nếu bạn kinh doanh riêng thì cũng phải chi cho khoản tiếp khách nhưng đây là chi phí kinh doanh, chứ không phải chi phí cá nhân của bạn.
Nhiều bạn than rằng trung bình mỗi tháng đi 2 đám cưới, hoặc phải đi giao tế nhiều nên tháng nào cũng nợ nần. Tôi thật không hiểu được đây có thật sự toàn là những đám mà bạn buộc phải đi không. Và bạn cần phải làm vậy để giữ mối quan hệ? Vậy với quan hệ rộng như vậy mà bạn vẫn không thể nâng cao thu nhập của mình thì sự “đầu tư” cho các mối quan hệ đó có bị lãng phí quá không?
Nó cũng chứng minh quan điểm của tôi là quan hệ rộng chưa chắc đã được việc đã nói ở trên. Và tôi có cảm giác rằng nhiều bạn chi tiêu cho những việc này chủ yếu vì sĩ diện (hão) chứ cũng không hẳn vì sự cần thiết của nó.
Tôi cũng nhận thấy rằng trên phương diện cá nhân, đa phần cơ hội công việc đến với một người thông qua việc người đó làm tốt công việc của mình ra sao, và hòa hợp như thế nào trong môi trường làm việc và trong quan hệ với đồng nghiệp, chứ không phải vì người đó chăm chỉ mời người quen biết đi ăn uống, hay vì người đó đi xe xịn, xài điện thoại xịn.
Trên phương diện doanh nghiệp cũng vậy, doanh nghiệp chọn đối tác trên cơ sở điều tra quá trình kinh doanh, chứ không vì thấy ông giám đốc hay chủ doanh nghiệp đối tác đi xe hơi xịn (mà có thể là xe đi mướn), hoặc có cái nhà to (mà có thể đang bị ngân hàng xiết nợ).
Một cái bẫy khác trong chi tiêu là khi thu nhập tăng lên thì ngay lập tức người ta sẽ tăng chi tiêu lên, nhiều khi tốc độ tăng chi tiêu lại vượt quá tốc độ tăng thu nhập. Kinh nghiệm của tôi là khi thu nhập tăng, bạn đừng vội tăng mức chi tiêu, mà hãy tăng mức tiền để dành và tiền tiết kiệm.
Sau một thời gian (có thể là 6 tháng), bạn có thể từ từ tăng mức chi tiêu lên cho phù hợp, nhưng luôn giữ sao cho luôn thấp hơn mức tăng thu nhập và bảo đảm được mức tiền để dành mới. Chẳng hạn, lương tăng gấp đôi thì chi tiêu chỉ tăng tối đa là gấp rưỡi lúc trước thôi.
Vì khi chi tiêu tăng thì tiền để dành phòng thân cũng phải tăng tương ứng để bảo đảm an toàn. Trong ví dụ trên của tôi, khi lương 5 triệu thì bạn để dành 1 triệu, chi tiêu 4 triệu. Khi lương 10 triệu thì bạn để dành 3-4 triệu, chi tiêu 6-7 triệu. Như vậy, cả nhu cầu chi tiêu và phòng thân đều được thỏa mãn.
Hy vọng những kinh nghiệm mà tôi đúc kết được từ bản thân và từ những người quanh tôi sẽ giúp các bạn biết cách có được khoản tiền để dành phòng thân và tiền tiết kiệm, làm chủ cuộc sống của mình.