Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh mới đây cho biết Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh - chủ đầu tư khu gang thép Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương có kế hoạch tuyển thêm hàng nghìn lao động Trung Quốc. Trao đổi với VnExpress, ông Vương Văn Tường - Phó tổ trưởng người Đài Loan của công trình đã chia sẻ rõ hơn kế hoạch tuyển dụng, quản lý lao động cũng như việc đầu tư sắp tới.
- Vừa qua có thông tin Formosa đề xuất đưa lao động Trung Quốc tới Hà Tĩnh, ông giải thích thế nào về việc này?
- Trước tháng 5/2014, trên công trường của Formosa Hà Tĩnh có 26.000 lao động, trong đó có 5.000 người Trung Quốc. Tuy nhiên, sau vụ biểu tình, số này hầu hết đã rút về nước. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh, tình hình đã ổn định trở lại, nhưng để sản xuất bình thường, chúng tôi tính toán phải tuyển thêm lao động, trong đó có một số người Trung Quốc.
Do vậy, trong tháng 8, Formosa đã yêu cầu các nhà thầu thống kê xem mỗi giai đoạn cần bao nhiêu lao động, đặc biệt là lao động Trung Quốc để báo cáo cho địa phương, Chính phủ. Kết quả cho thấy dự kiến có khoảng 8.400 lượt người Trung Quốc. Những công nhân này sẽ cùng lao động địa phương thi công lò cao.
- Tại sao Formosa không thuê lao động địa phương mà phải tuyển lao động Trung Quốc?
- Là người làm kinh tế, hơn ai hết, Formosa rất muốn thuê lao động tại chỗ để giảm chi phí. Nhưng tôi có thể khẳng định với công trình lò cao luyện than cốc như ở Formosa, thợ Việt Nam hiện chưa thể tự làm được. Một số dự án gang thép trong nước khác, quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn phải thuê người nước ngoài làm.
Formosa là dự án do người Đài Loan trúng thầu, nhưng sau đó vẫn phải thuê lại thợ Trung Quốc làm. Giả sử bây giờ chúng tôi thay thế bằng thợ Hàn Quốc, sẽ mất khoảng 6 tháng để họ đọc lại bản vẽ, sau đó còn cân nhắc giá thành. Do đó, hiện chưa thể dừng thuê người Trung Quốc được.
Tuy vậy, do chi phí thuê nhân công Trung Quốc lớn, chúng tôi không thể thuê toàn bộ mà sẽ cho thợ hai nước cùng làm việc với nhau. Ví dụ cứ một thợ Trung Quốc sẽ làm với 3 người Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng và đã được cơ quan quản lý thông cảm, điều kiện là lao động Trung Quốc làm xong sẽ về ngay.
- Ông có thể cho biết tiền lương chi trả cho công nhân Trung Quốc so với Việt Nam như thế nào?
- Công trình lò cao chia thành 3 gói thầu gồm cung cấp thiết bị, xây lắp và chạy thử. Công ty giao khoán cho nhà thầu, họ phải mang lao động Trung Quốc đến đây và tổ chức cho công nhân Việt Nam cùng làm.
Chúng tôi thuê khoán họ, nên việc nhà thầu trả lương cho công nhân Trung Quốc thực tình chúng tôi không biết, chỉ biết là họ có hoàn thành đúng tiến độ hay không. Tuy nhiên, đã là nhân viên kỹ thuật, tôi nghĩ là lương sẽ cao hơn lao động phổ thông, mà họ cũng là từ xa tới đây.
Ngoài ra, trong báo cáo về dự án, các nhà thầu phải chi tiết từng giai đoạn sẽ phải làm gì, khối lượng sắt thép, công nhân là bao nhiêu, điều này Formosa đều có có người giám sát. Tuy nhiên, là dân kinh doanh, giờ chúng tôi chỉ mong muốn công trình đảm bảo chất lượng và được đẩy nhanh tiến độ.
- Thời gian trước, quanh công trường của Formosa xuất hiện nhiều hàng quán đề biển hiệu tiếng Trung. Với việc tuyển thêm hàng nghìn lao động, Formosa dự kiến sẽ quản lý như thế nào?
- Hiện Formosa đã có 8 tòa nhà cho người lao động, mỗi tòa chứa được khoảng 4.000 người, ở giữa có căng-tin. Khi lao động Trung Quốc sang, chúng tôi sẽ tập trung họ tại khu ký túc xá và tổ chức bếp ăn tại đây. Với nhà hàng ở ngoài công trường, chúng tôi không thể đuổi được họ. Song sắp tới, Formosa sẽ quản lý chặt cửa ra vào khu ký túc xá và công trường.
Đến giờ phút này, trong biên chế của Formosa Hà Tĩnh chỉ có người Đài Loan và người Việt Nam, không có người nào quốc tịch Trung Quốc. Tất cả lao động do nhà thầu thuê sang đây sẽ phải về nước ngay sau khi hoàn thành xong công đoạn chạy thử lò cao, trừ một số trường hợp sẽ phải có nhân viên kỹ thuật sang làm việc khi có sự cố xảy ra và công trình trong thời gian bảo hành.
Formosa cũng đã tính tới sẽ thành lập một tổ sửa chữa thiết bị, chịu trách nhiệm sửa chữa những vấn đề phát sinh khi công trình đi vào hoạt động.
- Sự kiện tháng 5 thực sự đã tác động như thế nào tới Formosa, thưa ông?
- Không ai mong muốn sự kiện đó xảy ra, song sự thực nó đã khiến công ty thiệt hại nặng nề. Thống kê ngay hôm đó, chúng tôi ước tính mức thiệt hại khoảng 7 triệu USD. Tuy nhiên, ít ai biết thiệt hại đến nay phải tính bằng con số vài trăm triệu.
Vì sao ư? Bạn biết công trình rộng hàng nghìn ha có rất nhiều thiết bị phải thuê. Chỉ tính riêng hàng trăm chiếc cẩu cỡ lớn phải thuê giá 2.500 USD một ngày. Làm cũng phải trả tiền mà nghỉ cũng vậy. Do đó, hiện chúng tôi chưa thể thông kê chính xác thiệt hại.
Tuy vậy, công ty đã giải ngân vào đây 4,25 tỷ USD nên chỉ mong các nhà thầu sớm đưa lao động trở lại, làm việc để sớm ra được sản phẩm ngày nào, hay ngày ấy. Vì hàng tháng, số tiền nêu trên cũng phải trả lãi ngân hàng. Hiện chúng tôi có khoảng 1.900 lao động Trung Quốc, hy vọng đến tháng 9 sẽ có khoảng 5.000 người như trước đây để đẩy nhanh tiến độ.
- Thiệt hại như vậy, kế hoạch sản xuất và đầu tư của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?
- Chúng tôi khẳng định, công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch so với trước khi xảy ra sự cố. Lãnh đạo Formosa chỉ coi đây là tai nạn và vẫn giữ niềm tin như ban đầu và tổng vốn đăng ký giai đoạn một là 9,9 tỷ USD. Duy chỉ có ngày sấy lò sẽ phải lùi lại do công trường phải ngừng hoạt động và thiếu nhân công. Dự kiến, nếu không có sự kiện tháng 5, lò cao sẽ cho ra gang lỏng vào tháng 5/2014, nhưng nay đang phải tính toán lại.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ về thủ tục hành chính từ Chính phủ và địa phương. Hiện mọi việc liên quan đến thủ tục, Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh sẽ đứng ra làm đầu mối, giúp công ty không phải chạy khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan.
Đợt trước, Formosa có đề xuất lập đặc khu kinh tế Vũng Áng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng chúng tôi nhận thấy hiện đã có Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh hỗ trợ, nên cũng không còn cần thiết nữa.
Kỳ Duyên