Trong talkshow Nguy - Cơ số năm, mới phát sóng, Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures, bày tỏ góc nhìn của nhà đầu tư dành cho cộng đồng startup Việt.
Mở đầu chương trình, dưới sự dẫn dắt của diễn giả Nguyễn Phi Vân, nữ doanh nhân chia sẻ về con đường khởi nghiệp của bản thân. Là một "fan" ăn vặt, từ năm 2009, Vy khởi nghiệp với mô hình "Aija thế giới ăn vặt". Mô hình ăn uống F&B giúp Vy có cái nhìn tổng quan về phục vụ khách hàng khi đảm nhiệm nhiều công việc, từ bếp, đến phục vụ, chạy bàn... Đây đều là những trải nghiệm theo suốt Vy trong quãng thời gian sau này.
"Khi đó, Vy khởi nghiệp hai mô hình cùng một lúc. Nhưng sau một thời gian vận hành thuận lợi, tôi buộc phải đánh đổi bằng cách chọn một trong hai mô hình để tiếp tục phát triển", Vy nói. Nữ doanh nhân trẻ lựa chọn mô hình thương mại điện tử, theo đuổi đam mê của mình.
Cột mốc đáng nhớ đối với Lê Hoàng Uyên Vy là năm 2016, nữ doanh nhân có cơ hội trò chuyện cùng Tổng thống Obama khi ông đến Việt Nam. Một trong những chia sẻ của cựu Tổng thống Mỹ khiến nữ doanh nhân ấn tượng là: "Không bao giờ ông nghĩ mình sẽ là Tổng thống, mà chỉ cố gắng làm hết sức trong phạm vi của mình". Co-founder Do Ventures cho biết cô đồng tình với quan điểm này và luôn muốn tạo ra giá trị cho doanh nghiệp trong bất kỳ vị trí nào.
'Startup Việt đứng trước cơ hội lớn'
Chia sẻ về cơ hội của giới khởi nghiệp Việt, Vy cho hay, trong lĩnh vực đầu tư về công nghệ, Việt Nam đã trải qua chặng đường gần 10 năm. Đến những năm 2017, 2018, Việt Nam có những startup gọi được 50 triệu USD, 100 triệu USD vốn đầu tư từ nước ngoài.
"Tại sao là như vậy? Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn khi kinh tế vĩ mô ổn định, lực lượng dân số trẻ có thu nhập tăng lên, đặc biệt lượng người dùng Internet và ứng dụng di động lớn", cựu CEO Adayroi nhận định.
Nữ doanh nhân cho rằng Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Indonesia - trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Khi quốc gia này có 50-60 triệu người dùng Internet, hệ sinh thái khởi nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều công ty lớn đã ra đời.
"Năm ngoái, Việt Nam đạt lượng người dùng Internet là 64 triệu. Theo tôi đó là ngưỡng đủ lớn để tạo được tiền đề tăng trưởng cho rất nhiều công ty công nghệ", Lê Hoàng Uyên Vy cho hay.
Bên cạnh cơ hội lớn từ chuyển đổi số, nữ doanh nhân cho rằng startup Việt cũng đứng trước nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch. Bởi startup không phải mô hình có lợi nhuận ngay. Họ cũng không có đủ nguồn tiền hay nguồn tài nguyên dồi dào. Phần lớn các startup vẫn phải phụ thuộc vào việc gọi vốn hoặc tìm ra những mô hình kinh doanh phù hợp.
Tháng 9 vừa qua, Do Ventures ra mắt, tiếp tục hành trình mới tạo tiền đề cho những startup triển vọng tại Việt Nam. "Trong giai đoạn tất cả đều gặp khó khăn, không có nguồn vốn từ những nhà đầu tư từ nước ngoài, startup cũng khó tiếp cận các nguồn lực tài chính. Chúng tôi xác định đây là cơ hội cho những quỹ đầu tư nội địa", Uyên Vy chia sẻ.
Chia sẻ sâu hơn về "cơ" trong "nguy" với startup, Lê Hoàng Uyên Vy gợi lại những bài học kinh nghiệm trong quá khứ. Trên thực tế, sau những khủng hoảng từng xuất hiện trên thế giới đều nảy sinh những mô hình kinh tế mới, những doanh nghiệp lớn.
Giai đoạn 2003-2004, khi dịch SARS xuất hiện cũng là lúc nền tảng thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma cất cánh. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chưa quen với việc sử dụng Internet.
Sau khủng hoảng kinh tế 2007-2009, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, với dịch vụ gọi xe công nghệ Uber, nền tảng chia sẻ chỗ ở Airbnb... Những công ty này ra đời trong thời điểm suy thoái, tận dụng thời gian của những lao động mất việc và phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những khái niệm mới cũng ra đời sau khủng hoảng kinh tế như ý tưởng sáng tạo ra tiền số...
Riêng với đại dịch Covid-19, Do Ventures nhận thấy nhiều ngành có dung lượng thị trường lớn nhưng quá trình chuyển đổi số còn chậm. Nếu không có Covid-19, sự chuyển đổi vẫn sẽ diễn ra song quá trình này sẽ chậm chạp.
Giới đầu tư tìm kiếm startup tiên phong
Trước câu hỏi về ngành nghề thu hút giới đầu tư, Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng, có nhiều lĩnh vực "thời đến cản không nổi". Nghĩa là thời điểm rất thuận lợi để làm những việc đó, nhưng không có nghĩa không có cơ hội trong các ngành khác, chẳng hạn du lịch và bán lẻ.
"Việt Nam là một quốc gia du lịch, trong ngành này nếu công ty nào đưa ra những giải pháp phù hợp, đón đầu xu thế sau khi Covid-19 được khống chế, vẫn có cơ hội bứt phá và ghi điểm với giới đầu tư", Vy nhận định.
Đây cũng là định hướng của Do Ventures khi đánh giá triển vọng của startup. Đó là không gói gọn việc startup thuộc ngành nghề nào, quan trọng là startup, nhà sáng lập doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh như thế nào.
"Thứ chúng tôi tìm kiếm là những startup tiên phong, những ngành trước đây có thể chưa có", Vy nói. Cô dẫn chứng thực tế nhiều nhà sáng lập thành công đã từng làm sai rất nhiều lần. Khi làm đúng, họ tạo ra những thói quen tiêu dùng, lĩnh vực mới, ngành nghề mới.
Nữ doanh nhận nhấn mạnh về tinh thần dám thử, dám thất bại của giới khởi nghiệp. "Nếu chưa có kinh nghiệm trong một ngành, thất bại là bình thường, quan trọng là bạn rút ra bài học gì sau đó, phương pháp của bạn để tìm ra công thức đúng. Dù bạn ở độ tuổi nào thì cơ hội cũng là như nhau", Vy nói.
Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng đã có lực lượng startup tiên phong manh nha xuất hiện. Trong thời điểm khó khăn, nhiều người đã nhìn ra được cơ hội mới. Bản thân quỹ Do Ventures của Uyên Vy mong muốn được đồng hành với các startup từ sớm, để thúc đẩy và hỗ trợ startup.
"Từ khi các bạn có ý tưởng, concept, có thể ra sản phẩm rồi. Nếu chúng tôi thấy có tương lai sẽ sẵn sàng đầu tư. Để công ty phát triển, họ cũng cần có sự hỗ trợ dài hơi hơn về công nghệ và con người. Chúng tôi mong muốn đồng hành với startup trong khoảng ba vòng tiếp đó", Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures cho biết.
Theo Vy, chưa bao giờ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn đến vậy. Tổng số tiền đầu tư về công nghệ năm 2019 đã lên đến 900 triệu USD, chỉ sau Indonesia, thậm chí vượt nhiều công ty địa phương của Singapore. Tuy nhiên chúng ta buộc phải hành động, nếu không nguồn đầu tư này sẽ dừng lại.
Kết lại chương trình, Lê Hoàng Uyên Vy đưa ra lời khuyên cho giới khởi nghiệp. "Đừng sợ thất bại. Trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần làm nhiều. Làm thì sẽ có cơ hội đúng, không làm sẽ không bao giờ có cơ hội đó".
Mời độc giả xem lại các số Nguy-Cơ số một, hai, ba, bốn, năm.
Hoài Phong