Chia sẻ bên lề phiên họp bất thường sáng nay, ông Bình nói phản ứng của người dân với việc thu phí sẽ là trở ngại lớn cho các dự án BOT được đầu tư trên nền đường cũ.
"Tâm lý của người dân thường mong muốn không tốn phí khi đi trên con đường vốn đã có sẵn mặc dù bị kẹt xe, còn hơn mở rộng mà lại bị thu phí và không có sự lựa chọn nào khác", lãnh đạo CII nói và cho biết rất cảm thông với tâm lý trên.
Giải pháp doanh nghiệp này đưa ra là phân chia làn đường thu phí tại các dự án. Cụ thể, CII đề xuất không thu phí trên làn đường đã có từ trước, nên người dân đi vào làn đường cũ sẽ không mất tiền. Thu phí BOT chỉ ở những làn đường mới, được mở rộng hoặc nâng cấp. Việc đi vào làn đường nào, tương ứng chấp nhận đi chậm và được miễn phí hay di chuyển thông thoáng và phải trả phí, sẽ do mỗi người lựa chọn.
Ngoài ra, ông Bình nói sẽ tính toán kỹ vị trí đặt trạm thu phí để tránh bất công giữa người đi toàn tuyến và người chỉ đi ngang trạm. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư lớn cho công nghệ và phần mềm. Trước mắt, CII đang nắm giữ 5% Tasco để tận dụng công nghệ mảng thu phí tự động mà Tasco đang có thế mạnh. Các dự án đấu thầu trong tương lai sẽ được CII tham gia theo hình thức liên danh, trong đó Tasco đảm nhiệm nghiên cứu công tác thu phí.
Ông Bình cho biết thêm dù gặp bài toán về đối tượng thu phí, việc đầu tư tuyến đường hiện hữu có nhiều lợi thế hơn đầu tư tuyến mới. Trước hết, đội ngũ nghiên cứu dự án có thể đếm được lưu lượng xe trên tuyến, từ đó tính toán được bài toàn hoàn vốn và hạn chế rủi ro. Công tác đền bù giải tỏa mặt bằng sẽ nhẹ hơn so với đền bù toàn bộ nếu thực hiện trên tuyến đường mới. Nghị quyết 98/2023 cho phép thực hiện các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu tại TP HCM cũng giúp "mở cửa" pháp lý, tăng khả năng hoàn vốn và huy động vốn tín dụng.
Trong 6 dự án mà CII muốn đầu tư giai đoạn 2024-2030, TP HCM chiếm đa số với 5 dự án. Tổng quy mô vốn ước tính của 5 dự án đạt hơn 85.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp này muốn tập trung xử lý dứt điểm ùn tắc giao thông trong thành phố, thay vì "di dời điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác".
Dự án thứ nhất là đường trên cao Bắc - Nam TP HCM. Tuyến này bắt đầu từ Cộng Hòa, sang Bùi Thị Xuân, Bắc Hải, Thành Thái, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ và về kênh Ông Lớn. Do nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam thành phố, dự án phải đi qua nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng dày đặc. CII nêu ý tưởng sẽ có những đoạn đường trên cao xuyên qua khối đế của các tòa nhà.
Dự án thứ hai là Cộng Hòa - Trường Chinh - Quốc lộ 22 - Vành đai 3, nối công viên Hoàng Văn Thụ với nút giao Vành đai 3. Tuyến đường được nâng cấp sẽ không có đèn đỏ. Tại các nút giao, CII ưu tiên sử dụng hầm chui hoặc cầu vượt để đảm bảo lưu thông liên tục.
Ba dự án còn lại bao gồm mở rộng Quốc lộ 1A từ nút giao Tân Kiên (Bình Chánh) đến ranh giới Long An; tuyến Phạm Văn Đồng và Ung Văn Khiêm nối nút giao Bình Thái; mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tất Đạt