Cuộc sống của người dân Seoul vẫn diễn ra bình thường như thể Triều Tiên chưa từng tuyên bố "tình trạng chiến tranh". Ảnh: CNN |
Cuối chiều, đường phố Seoul đang vắng vẻ bỗng chốc bị lấp đầy bởi những dòng người vội vã rời khỏi công sở. Cuộc sống của những cư dân tại thủ đô sôi động bậc nhất thế giới này vẫn không có gì thay đổi, bất chấp nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
"Chúng tôi đang ở trong giai đoạn hậu chiến tranh, và tôi không hề cảm thấy lo lắng trước chuyện đó", một phóng viên chuyên về mảng tin tức địa phương nói.
Seoul chỉ cách khu vực phi quân sự Nam - Bắc Triều, vùng biên căng thẳng nhất trái đất, khoảng 50 km về phía nam. Trong trường hợp một cuộc chiến tranh toàn diện thực sự nổ ra, thủ đô của Hàn Quốc sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu trong tầm ngắm của quân đội Bình Nhưỡng. Chỉ mất vài phút và tên lửa của quân đội Triều Tiên sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố.
Sức mạnh quân sự của Triều Tiên là không thể chối cãi, và chúng đã trở thành một mối đe dọa hiện hữu, đặc biệt là với người dân Hàn Quốc. Bên cạnh hạt nhân và nhiều loại vũ khí thông thường, Triều Tiên cũng được tin là cũng đang sở hữu vũ khí hóa học, mặc dù Bình Nhưỡng luôn một mực bác bỏ cáo buộc này.
Tuy nhiên, người dân Seoul, tính tới thời điểm hiện tại, vẫn mải mê sống và gạt bỏ mọi lo lắng. Hoạt động kinh doanh ở quận Gangnam, nơi được ví là "Beverly Hills" của Hàn Quốc, vẫn sôi động như thường lệ. Các cô gái mải mê cười nói và trò chuyện qua điện thoại, trong khi những chàng trai trong bộ âu phục vẫn bình thản tranh luận về quan điểm trong cuộc sống. Trên từng góc phố ở thủ đô 25 triệu dân này, không hề tồn tại bóng dáng của sự sợ hãi, hay lo ngại về chiến tranh.
"Chúng tôi chẳng cảm thấy gì cả", CNN dẫn lời một thanh niên Seoul.
Thực tế, người dân Hàn Quốc hoàn toàn có quyền được thể hiện sự lo lắng trước tình huống này. Họ đang phải sống dưới một bức màn u ám khi luôn phải tỏ ra cảnh giác và đề phòng với Triều Tiên.
"Chúng tôi biết Triều Tiên không muốn chiến tranh", một người khác nói.
"Họ muốn có tiền và lương thực", người này cho biết, nói thêm rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng dùng tất cả những gì họ có, từ tên lửa, vũ khí hạt nhân, tới lực lượng quân đội hùng mạnh, để gây sức ép với miền nam.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, tại Hội nghị Lãnh đạo châu Á hồi tuần trước, đã tuyên bố trước trăm người rằng, Triều Tiên biết rõ cuộc tấn công vào Hàn Quốc sẽ là "dấu chấm hết cho một chế độ".
Ông khuyến khích người dân Hàn Quốc hãy lạc quan, bởi họ thuộc về một phần thế giới đang ngày càng giàu mạnh và phát triển hơn, đối lập với hướng đi của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng. Thay vì bị ám ảnh bởi những mối đe dọa, Powell kêu gọi họ làm việc, quan tâm tới môi trường và giảm thiểu đói nghèo.
Dù vậy, hàng triệu cư dân của thủ đô Seoul cũng không thể đại diện cho cả đất nước Hàn Quốc.
"Chúng tôi không giống những người đang phải sống ở biên giới hay hải đảo", một cư dân của Seoul nói, nhắc tới vụ nã pháo hồi năm 2010, từng khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, trên đảo Yeonpyeong, trong khu vực biển mà Triều Tiên cho là có tranh chấp với Hàn Quốc.
Với những người đang sống tại Seoul, nguy cơ thủ đô của Hàn Quốc bị tấn công là gần như không tưởng. Nhưng tại một số điểm nóng nhất định, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Quỳnh Hoa