"Đã có quá nhiều những cuộc đảo chính trong khu vực. Với những cam kết mà Senegal đã đưa ra với Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), những người lính chúng tôi sẽ tới Niger nếu ECOWAS quyết định can thiệp quân sự", Ngoại trưởng Senegal Aissata Tall Sall phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Dakar hôm nay.
Các lãnh đạo quân sự ECOWAS đang họp ở thủ đô Abuja, Nigeria, sau khi quân đội Niger tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự. Một phái đoàn ECOWAS cũng đang ở Niger để đàm phán với các quan chức quân sự nước này. Niger là thành viên thứ tư của khối trải qua đảo chính kể từ năm 2020.
Theo Ngoại trưởng Tall Sall, "Senegal tin chắc rằng những cuộc đảo chính này phải bị ngăn chặn, đó là lý do chúng tôi tới đó".
Bà cũng nêu lý do ECOWAS xem xét khả năng đưa quân đến Niger, dù không làm như vậy sau các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea hoặc Burkina Faso. "Câu trả lời rất đơn giản, đó là bởi quá nhiều cuộc đảo chính xảy ra rồi", bà cho hay.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh ECOWAS muốn làm mọi thứ có thể để đàm phán với những quốc gia xảy ra đảo chính về thời hạn trao trả quyền lực cho các lãnh đạo dân cử. Bà cũng chỉ trích lập luận của các chính quyền quân sự rằng họ cần phải nắm quyền để thúc đẩy cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo.
"Đã lần nào họ chấm dứt được tình trạng bất ổn chưa? Những gì chúng ta đã thấy là một khi nắm quyền, binh lính sẽ đảm nhận các vai trò dân sự", bà cho hay.
ECOWAS ngày 2/8 ra tuyên bố cho biết giải pháp quân sự đối với Niger là lựa chọn cuối cùng, nhưng họ vẫn chuẩn bị cho kịch bản đó. ECOWAS trước đó nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính đối với Niger, đồng thời ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự ở Niger một tuần để trao trả quyền lực.
Tướng Abdourahamane Tiani, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, gọi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này là "bất chấp đạo lý và không công bằng", được lập ra với mục đích bôi nhọ lực lượng an ninh quốc phòng và đất nước Niger.
"Chúng tôi bác bỏ toàn bộ những lệnh trừng phạt này và từ chối nhượng bộ trước mọi mối đe dọa, dù chúng tới từ đâu", ông Tiani nói và tuyên bố không chấp nhận hành vi can thiệp công việc vào nội bộ Niger.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Huyền Lê (Theo AFP)