Đọc bài viết "Xe cỡ A - mảnh đất dữ đối với xe Nhật", có thể thấy sự thay đổi ở xu hướng sử dụng xe của người dùng Việt Nam, không chỉ xe cỡ A mà cả ở phân khúc sedan cỡ D bởi xu hướng dùng xe và cả sự xuất hiện của những cái tên mới.
Khoảng 10 năm trước, tôi biết đến Toyota Camry khi nghe cuộc nói chuyện của giám đốc công ty cũ với vài trưởng phòng. Đó là những tranh luận về các mẫu xe Nissan Teana, Honda Accord và Camry.
Sedan của Toyota khi đó được đánh giá cao nhất về thương hiệu. Với những người ăn chắc mặc bền, Camry là lựa chọn hàng đầu, nhờ tiếng lành, ít hỏng vặt. Ngoài ra, mẫu xe này còn được đánh giá tốt về thiết kế hợp với những người làm kinh doanh nhờ đường nét thiết kế trung tính.
Trong khi đó, Honda Accord nhận được đánh giá tốt về cảm giác lái và kiểu dáng cứng cáp, khoẻ khoắn. Với chủ doanh nghiệp thích tự lái xe, mẫu xe này là lựa chọn ưu tiên bởi cảm giác lái. Tuy nhiên, xe này không phổ biến và khó làm nên hình ảnh của một doanh nhân.
Teana tạo thiện cảm bởi sự đầm chắc, cách âm tốt, nhưng phần đông lại e dè bởi còn mới mẻ. Với một người trẻ thành đạt như giám đốc công ty cũ của tôi khi đó, Nissan Teana lại là lựa chọn. Cuộc tranh luận thậm chí còn kéo dài sang cả Mercedes C-Class đã qua sử dụng bởi có giá tương đương.
Đến nay, những chiếc sedan cỡ D kể trên đã thay đổi rất nhiều. Duy nhất một điều không đổi là thứ hạng doanh số của cả ba. Đồng thời xu hướng chọn xe đang đang dần chuyển dịch sang xe gầm cao như SUV, crossover cùng tầm giá, sedan cỡ D giảm thị phần, khả năng cạnh tranh kém hơn.
Ngoài ra, sự xuất hiện của những sản phẩm mới, cùng cái nhìn khác của một thế hệ người dùng trong thời đại công nghệ cũng khiến sedan cỡ D như Camry hay Accord cần thay đổi, trong khi Teana đã dừng bán. Sự đòi hỏi cao hơn của nhóm khách hàng trẻ thành đạt khiến các hãng xe phải thay đổi trong cách làm sản phẩm, đồng thời mở ra cơ hội cho những tân binh.
Toyota Camry, sau nhiều năm có thể coi là mẫu xe "đo ni đóng giày" cho những ông chủ doanh nghiệp, những người tầm trung tuổi, đã lột xác hoàn toàn theo phong cách thiết kế mới. Bên cạnh đó, hãng cũng phải bổ sung thêm nhiều công nghệ để thoả mãn sự đòi hỏi cao hơn của người dùng hiện nay. Về tính năng, Camry đã hiện đại hơn trước rất nhiều. Thiết kế trẻ trung hướng đến người dùng trẻ nhưng phần nào đó rời xa tập khách hàng trung tuổi quen thuộc.
Honda Accord cũng theo cách tương tự, bóng bẩy, trẻ trung hơn và vẫn được người dùng đánh giá tích cực về cảm giác lái. Tuy vậy, mẫu sedan này cũng không tạo nên đột phá về doanh số.
Những tân binh cùng tầm giá là một phần nguyên nhân kìm hãm sự bứt phá của xe cỡ D đang trong thời gian trẻ hoá. Mercedes C180 là một ví dụ. Hãng xe Đức tung ra sản phẩm thấp nhất dòng C-Class, định giá gần tương với Camry hay Accord. Người dùng cho rằng Mercedes tự làm thấp đi hình ảnh của thương hiệu. Tuy nhiên, hãng xe Đức có lý do bởi sự phát triển của nền kinh tế hiện nay tạo ra những người trẻ thành đạt, đó là khách hàng tiềm năng. Cùng tầm giá, định vị thương hiệu của xe Mercedes vẫn cao hơn hai hãng xe Nhật Bản.
Mới nhất, sự xuất hiện "đầy đường" của VinFast Lux A2.0 (ở phân khúc E) cũng minh chứng cho sự nổi lên của những "làn gió mới". Điều này phần nào cho thấy sự dịch chuyển của người dùng. Nhóm người dùng mới sẵn sàng chi tiền cho những chiếc xe mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì đi theo hướng "ăn chắc mặc bền" như trước đây. Với nhiều chương trình kích cầu, người dùng có thể mua Lux A2.0 với giá thấp hơn so với Camry, Accord trang bị công nghệ tương đương, thậm chí cao hơn.
Trước những đổi thay của thị trường, cả Camry và Accord có động thái giảm giá tại đại lý để thúc đẩy doanh số. Nhờ đó, người dùng có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn, đúng với số tiền bỏ ra mua xe.
Độc giả Nam Phong