![]() |
Cổ động viên Việt Nam - nguồn động lực mạnh. |
Việt Nam đặt chỉ tiêu đạt khoảng 90 đến 100 HC vàng để đứng thứ 3 trở lên. Đoàn chủ nhà đồng thời đưa ra mục tiêu thách thức là 120 HC vàng để có thể lần đầu tiên trong lịch sử giành ngôi quán quân Đại hội. Những tưởng để biến ước mơ thành hiện thực, đoàn VĐV của chúng ta sẽ phải chịu sự đeo bám quyết liệt của các đoàn bạn. Nhưng chỉ trong ngày thi đấu đầu tiên sau lễ khai mạc, Việt Nam đã độc chiếm ngôi đầu bảng xếp hạng với 24 HC vàng. Và sau 5 ngày thi đấu đầu tiên, số HC vàng của Việt Nam đạt con số 73. Kết thúc buổi thi đấu ngày 10/12, Việt Nam có 84 HC vàng. Hết ngày thi đấu 11/12, 107 HC vàng đã thuộc về chúng ta. Ngày thi đấu áp chót (12/12), Việt Nam tan mộng đoạt HC vàng bóng đá nam SEA Games 22. Nhưng cũng trong ngày này, các môn khác đã tạo ra một "cơn lũ vàng", với 43 HC vàng đoạt được, nâng tổng số HC vàng lên con số 150. Ở ngày thi đấu cuối cùng, đoàn chủ nhà có thêm 8 HC vàng, dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với cách biệt quá xa so với đoàn đứng thứ nhì Thái Lan (90 HC vàng). Không những vượt xa định mức huy chương mong đợi, tại SEA Games lần này, đoàn Việt Nam còn lập được một số kỳ tích. Đáng chú ý là việc điền kinh Việt Nam bỗng trở thành đối thủ đáng gờm của Thái Lan, khi giành được tới 8 HC vàng, trong khi chỉ tiêu chỉ là 3 đến 4 chiếc. Riêng Nguyễn Thị Tĩnh đoạt 3 HC vàng và hai lần vượt qua kỷ lục SEA Games.
Vậy vì sao đoàn thể thao Việt Nam đạt bước tiến vượt bậc như vậy so với các kỳ trước?
Thành tích của đoàn đoàn Việt Nam tại các kỳ SEA Games trước |
SEA Games 15 (1989): 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ, xếp hạng 7/9 đoàn tham dự. SEA Games 16 (1991): 7 HCV - 12 HCB - 10 HCĐ, xếp hạng 7/9. SEA Games 17 (1993): 9 HCV - 6 HCB - 19 HCĐ, xếp hạng 6/9. SEA Games 18 (1995): 10 HCV - 18 HCB - 24 HCĐ, xếp hạng 6/10. SEA Games 19 (1997): 35 HCV - 48 HCB - 50 HCĐ, xếp hạng 6/10 SEA Games 20 (1999): 17 HCV - 20 HCB - 27 HCĐ, xếp hạng 6/10. SEA Games 21 (2001): 33 HCV - 35 HCB - 64 HCĐ, xếp hạng 4/10. |
Yếu tố trước tiên và không kém phần quan trọng là các VĐV của chúng ta được thi đấu trước sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà. Chưa có một kỳ đại hội thể thao khu vực nào trước đó mà khán giả lại đến chật kín mọi nhà thi đấu để cổ vũ các VĐV đoàn mình, kể cả những môn không quần chúng. Vậy mà ở Việt Nam, các khán đài nơi diễn ra các cuộc tranh tài luôn chật ních người xem, ở cả những nơi người hâm mộ phải mua vé vào cửa. Đáng chú ý, trong những ngày có môn điền kinh thi đấu, cầu trường sân Mỹ Đình luôn sôi động với khoảng 20.000 người theo dõi - còn hơn cả số khán giả nhiều trận đấu thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam.
Ngoài sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, đa số các VĐV Việt Nam khi vào cuộc tại SEA Games lần này dường như cũng đều đặt quyết tâm thi đấu với hơn 100% phong độ để đoạt tấm huy chương giá trị nhất ngay tại quê hương. Và trong thể thao, liều "doping tinh thần" cũng rất quan trọng.
Hơn thế, do có lợi thế của nước chủ nhà là tự chủ hơn về mặt thời gian, ở nhiều môn hoặc nội dung thi đấu (đặc biệt là những môn mới) chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Có những môn hoặc nội dung chúng ta công bố đưa vào danh sách tranh tài muộn, mặc dù đã thành lập các đội tuyển tập luyện môn đó từ rất lâu trước đó. Chiến thuật này khiến nhiều đoàn bạn gặp khó khăn trong khâu chuẩn bị. Quen với điều kiện khí hậu thời tiết khi thi đấu cũng là một trong những ưu thế không nhỏ của đoàn chủ nhà. Cũng vì được thi đấu trên sân nhà, các tuyển thủ của chúng ta sẽ tranh tài thoải mái hơn mà không sợ rơi vào cảnh bị trọng tài ép một cách lộ liễu. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự toàn bộ các môn thi đấu, và có lực lượng tranh tài hùng hậu nhất. Ở SEA Games lần này, chỉ có Việt Nam và Thái Lan thi tài đủ 442 nội dung của 32 môn thi.
Những môn mạnh thì chúng ta đưa vào danh sách thi đấu nhiều bộ huy chương, đáng chú ý có wushu, bắn súng, vật. Chúng ta cũng đưa vào Đại hội 3 môn mới nhưng là sở trường: lặn, đá cầu chinh, cờ vua. Các môn Việt Nam yếu thế thì hầu như không có tên trong danh sách thi đấu. Và điều này đã giúp đoàn Việt Nam gặt hái được rất nhiều huy chương vàng, đồng thời hạn chế số lượng HC vàng các đối thủ có thể giành được. Môn vật, chúng ta đoạt 18 trong tổng số 22 HC vàng của Đại hội. Môn bắn súng, các xạ thủ của chúng ta đoạt 25 HC vàng (tổng số HC vàng là 42), trong đó mình "tỷ phú huy chương" Nguyễn Mạnh Tường góp 5 tấm và đoạt danh hiệu VĐV hay nhất giải cùng với nữ tuyển thủ bơi lội của Singapore - Joscelin Yeo. Môn lặn, các kình ngư giành 13 trong tổng số 16 HC vàng. Môn đá cầu chỉ có 7 nội dung, nhưng Việt Nam đứng đầu thế giới về môn này nên đã giành trọn bộ. Thế mạnh của chúng ta tại các đấu trường quốc tế là những môn võ. Và ở SEA Games lần này, mỏ vàng này lại được khai thác. Wushu góp 13 trong tổng số 28 HC vàng của Đại hội, karatedo đứng thứ nhất ở 12 trong tổng số 19 nội dung, silat giành 11 trong tổng số 22 HC vàng, và làm bá chủ ở nội dung đối kháng với 10 tấm HC vàng.
Lợi thế sân nhà đã góp phần giúp chúng ta đoạt ngôi nhất bảng tổng sắp huy chương. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng yếu tố con người mới là điều quan trọng nhất làm nên đại thắng của đoàn thể thao Việt Nam tại giải lần này. Các tuyển thủ của chúng ta đều đã phải gồng mình tập luyện từ rất lâu, đổ mồ hôi và cả nước mắt để hướng tới mục tiêu cao nhất. Một số VĐV thậm chí còn phải xa nhà để khổ luyện ở nước ngoài. Sự cố gắng của các VĐV Việt Nam cũng đã được thể hiện rõ qua từng SEA Games trước đó, chứ không riêng gì tại Đại hội năm nay. Kể từ lần đầu tham dự SEA Games (1989, tại Malaysia, đứng thứ 7 chung cuộc), đoàn Việt Nam đã đạt được những bước tiến rõ rệt. Và đến kỳ Đại hội trước (cũng tại Malaysia) thì chúng ta đã thực sự khiến các cường quốc thể thao trong khu vực phải dè chừng, với vị trí thứ tư sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Sẽ là rất khó để Việt Nam có tên trong nhóm 3 đội mạnh nhất tại SEA Games tới, bởi chủ nhà Philippines - đoàn nhiều lần đứng trên chúng ta - sẽ bỏ hẳn một số môn hoặc cắt bớt số nội dung thi đấu là thế mạnh của chúng ta, đồng thời tăng những môn sở trường của họ. Âu cũng là lẽ thường tình, bởi SEA Games là dịp để các quốc gia quảng bá một số môn truyền thống và là thế mạnh của mình. Với ưu thế của chủ nhà, Indonesia từng đoạt tới 194 HC vàng ở SEA Games 1997, khi quyết định đưa vào danh sách thi đấu 34 môn. Cũng lại Indonesia với tư cách chủ nhà đã nhất toàn đoàn với 185 HC vàng ở SEA Games 1987.
Về mặt tổ chức và không khí lễ hội, Việt Nam cũng đã tạo được ấn tượng mạnh trong mắt bạn bè. Trong lịch sử 43 năm của Đại hội thể thao Đông Nam Á (tính cả thời còn mang tên SEAP Games), có lẽ chưa có nước nào sống trong không khí SEA Games sớm và dài như ở Việt Nam năm nay. Hàng loạt các hoạt động xã hội liên quan đến SEA Games, giải đấu cọ xát đã được tổ chức liên tục tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM kể từ khi SEA Games còn vài ba tháng mới khởi tranh. Khoảng gần một tháng trước ngày khai mạc thì băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động SEA Games... đã xuất hiện trên khắp các tuyến đường chính dẫn đến các địa điểm thi đấu, sân bay, và nơi ở của các đoàn. Và còn hàng trăm kiểu "ăn theo" SEA Games khác. Lễ khai mạc đã diễn ra thật hoành tráng. Đó là nhận định chung của hầu hết những người chứng kiến buổi lễ, trong đó có cả các nhà báo khu vực và quan chức thể thao của các quốc gia tham dự. Lễ bế mạc không sống động bằng, nhưng cũng rất ấn tượng, tràn đầy cảm xúc khiến trong mỗi người đều vương vấn một chút gì lưu luyến.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái, SEA Games 22 đã trở thành một kỳ Đại hội ghi dấu ấn trong lòng mọi người, với phương châm: Đoàn kết, Hợp tác vì hoà bình và phát triển. SEA Games 22 còn là một bài ca về tính trung thực, cao thượng trong thi đấu, tổ chức điều hành. Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ cũng cho rằng chúng ta đã tổ chức một kỳ SEA Games trong sạch, thành công.
Niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn
Người hâm mộ Việt Nam sẽ còn hạnh phúc hơn, vui ngất trời nếu đội U23 Việt Nam đoạt HC vàng bóng đá nam SEA Games 22. Đó là điều đương nhiên, bởi đây là tấm HC vàng mà chúng ta đã đợi chờ từ rất lâu và bóng đá là môn thể thao vua. Hơn thế, nếu U23 vô địch, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên có hai đội tuyển nam và nữ cùng vô địch tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Buồn nhưng chúng ta không thất vọng. Các cầu thủ trẻ của chúng ta đã phấn đấu hết mình tại giải này, tạo được niềm tin yêu nơi người hâm mộ bằng những màn trình diễn ấn tượng, nhận được những lời ngợi ca của giới chuyên môn.
Hai VĐV hay nhất SEA Games 22 | |
Joscelin Yeo - nữ VĐV bơi lội người Singapore. Tại SEA Games 22, chị đoạt 6 HC vàng: 50 m bơi tự do, 100 m bướm, 200 m cá nhân hỗn hợp, 4x100 m tiếp sức, 100 m tự do, 4x100 m hỗn hợp tiếp sức. Kình ngư này đã nổi danh tại đấu trường khu vực từ nhiều năm qua, giành tổng cộng 34 HC vàng tại các kỳ SEA Games. | Nguyễn Mạnh Tường - tuyển thủ bắn súng Việt Nam. Tại SEA Games 22, anh đoạt 5 HC vàng: 25 m súng ngắn ổ quay 30+30 cá nhân và đồng đội nam; 25 m súng ngắn tiêu chuẩn đồng đội nam; 50 m súng ngắn tự do 60 viên đồng đội; 10 m súng ngắn hơi 60 viên đồng đội. Tại SEA Games 21, anh cũng được mệnh danh là tỷ phú huy chương với 4 tấm HC vàng. |
Kình ngư 'lười' Xuân Phương trở thành VĐV đoạt HC vàng cuối cùng cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 22 - HC vàng thứ 158. Tối qua, Ngô Xuân Phương về nhất ở nội dung lặn 800 m vòi hơi chân vịt. | |
Những thiên thần nhỏ đem HC vàng đầu tiên về cho VN | |
Danh sách huy chương của đoàn thể thao Việt Nam |
Bảng xếp hạng chung cuộc | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Xuân Toản
|