![]() |
GS Trần Quốc Vượng. |
- Giáo sư có thể cho biết về nội dung cuốn sách?
- Chương mở đầu mang tên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói về những thói hư tật xấu của người Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Thực tế, Bác Hồ đề cập rất sớm và rất nhiều đến thói tật của người mình. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã nói tới các nhược điểm làm ăn manh mún, đố kỵ, không có tầm nhìn xa, ít chịu tìm hiểu tình hình thế giới... Mà chính vì không nhìn xa trông rộng nên chúng ta đã mất nước vào tay thực dân Pháp.
- Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông sẽ trích dẫn những nhân vật nào trong cuốn sách của mình?
- Trước những biến chuyển lịch sử trọng đại, các học giả, các đại biểu của giới trí thức thường nhìn lại những đặc tính của nhân dân mình để hiểu rõ nguyên do thất bại hoặc thành công của đất nước. Về thất bại, có phải chỉ vì lực lượng giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn, hay còn nguyên nhân nào khác. Phải chăng do nguyên nhân nội tại - những thói tật trong tính cách, tình cảm người Việt Nam ta? Vua Tự Đức, người nói câu Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân, hoặc thi sĩ Tản Đà, nhân vật sống qua 2 thế kỷ, cùng nhiều danh nhân khác từng đụng tới thói tật người Việt Nam, và họ sẽ có mặt trong cuốn sách này.
- Nhưng nếu chỉ chê không thì hơi ''căng''?
- Chúng tôi không viết khen, bởi người ta khen quá nhiều rồi. Cũng không phải để chê bai, bài xích. Viết về cái xấu là để nhìn thẳng vào những yếu kém của người mình nhằm tìm cách khắc phục, tạo đà thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Người Việt Nam xuất thân từ nông nghiệp - nông thôn, bởi vậy, tư duy tiểu nông bám rễ khá sâu vào tim óc nhiều người, trong đó có cả tôi, không dễ thay đổi.
- Hình như ông đặt thói tật người Việt Nam lên bàn cân với phương thức ứng xử xã hội và tư duy phương Tây?
- Không. Tôi không hề đặt tư duy phương Tây hay tư duy Trung Hoa bên cạnh khi tôi nói về thói hư tật xấu của người Việt. Tôi chỉ đặt chúng trước công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Các quốc gia phát triển đều có những tác phẩm tự phê nổi tiếng: Trung Quốc có Người Trung Quốc xấu xí, Nhật Bản có Người Nhật Bản ghê tởm, Pháp có Lịch sử những thói hư tật xấu của người Pháp.
(Theo Tiền Phong)