Ông Dương Quốc Trọng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dân số (Bộ Y tế). Ảnh: N.P. |
- Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Năm 2008, cứ 100 bé gái thì có tới 112 bé trai, tức là vượt qua mức độ bình thường 4 điểm (bình thường là 103-107 bé trai thì có 100 bé gái). Có thể nói chúng ta đang ở mức tương đương với Trung Quốc khi nước này rơi vào mất cân bằng giới tinh khi sinh năm 1989.
Theo nhận định của chúng tôi, tình trạng này bắt đầu từ năm 1999 (thời điểm tiến hành tổng điều tra dân số trên toàn quốc), khi ấy 100 bé gái thì có 107 bé trai. Tuy nhiên từ sau năm 2000, tình hình phức tạp hơn. Nếu không xử lý thì chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào thực trạng của một số nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh do Bộ Y tế vừa đưa ra, tập trung tuyên truyền cho những người trong độ tuổi sinh đẻ và những cán bộ y tế về siêu âm, chẩn đoán, nạo phá thai, giáo dục để mọi người thay đổi nhận thức...
Bộ cũng sẽ kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Những cán bộ y tế vi phạm (tiết lộ giới tinh thai nhi) sẽ bị xử phạt.
Đề án có tổng kinh phí 7 tỷ đồng, triển khai từ nay đến 2010 tại 11 tỉnh có tỷ suất giới tính khi sinh cao, bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai và Bạc Liêu.
- Ông cho biết những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?- Nguyên nhân quan trọng, căn bản nhất là tư tưởng trọng nam hơn nữ, muốn có con trai để nối dõi tồn tại hàng ngàn năm nay. Ngoài ra, chúng ta chưa có chế độ an sinh tốt với người lớn tuổi, khi về già họ vẫn phải trông cậy vào sự phụng dưỡng của con cái. Theo quan niệm của dân gian, cha mẹ về già phải ở với con trai, còn con gái đi lấy chồng là con của người khác.
Mặt khác, chúng ta đã duy trì được mức sinh thấp kéo dài liên tục trong nhiều năm. Nhưng từ đó cũng xuất hiện mâu thuẫn, các gia đình muốn chỉ có 1-2 con thì trong đó phải có con trai. Vì thế mới có chuyện cố tình đẻ con trai cho bằng được. Một số ngành nghề đòi hỏi phải có nam giới, như việc đi biển, con gái thì không thể làm được. Nhưng nguyên nhân trực tiếp chính là mong muốn có con trai của các gia đình.
- Nếu trong những năm tới tình hình vẫn tiếp tục thì điều gì sẽ xảy ra?
- Số trẻ trai sinh ra nhiều hơn trẻ gái sẽ tất yếu dẫn đến sự thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, thiếu phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình. Cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể, một số nam giới có thể phải lựa chọn sống độc thân. Những nam giới nghèo, địa vị xã hội thấp sẽ phải trì hoãn lâu dài việc lập gia đình.
Thậm chí là sẽ gia tăng tội phạm liên quan đến tình dục, áp lực của tệ nạn buôn bán phụ nữ dưới hình thức hôn nhân...
- Một trong những hoạt động của đề án là kiểm tra các cơ sở siêu âm, xét nghiệm, nạo phá thai. Chúng ta từng có quy định cấm siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng thực tế có nhiều cơ sở vẫn làm việc này bằng cách nói "giống bố, giống mẹ, hút thuốc, đái ngồi"... Vậy làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề này?
- Đúng là Pháp lệnh dân số, Nghị định 104, 114 cũng đã nêu rõ những hành vi nghiêm cấm trong việc lựa chọn giới tính gồm: tuyên truyền phổ biến sách báo, ấn phẩm lựa chọn giới tính thai nhi, áp dụng công nghệ để có con trai, chọn ngày phóng noãn, chế độ ăn, lọc rửa tinh trùng.... Tuy nhiên việc xử lý các hành vi vi phạm này quả thật là rất khó, đặc biệt là việc các cơ sở y tế cho biết giới tính thai nhi.
Thực tế là khi được hỏi, một số thầy thuốc còn chưa biết việc làm này bị cấm. Cũng có những người biết nhưng vẫn làm bằng cách không ghi vào giấy siêu âm mà nói bằng dấu hiệu khác nhau. Việc "bắt tận tay day tận mặt" quả thật là rất khó nhưng khó mấy cũng làm được.
Vì chưa làm nên tôi không thể nói cụ thể là làm gì, như thế chả khác nào vẽ đường cho hươu chạy, nhưng sẽ có. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi vẫn là tuyên truyền, phổ biến và giáo dục.
- Nếu bác sĩ siêu âm vẫn "bắt tay" với các cặp vợ chồng để thực hiện chẩn đoán giới tính thai nhi, Bộ Y tế sẽ xử phạt như thế nào?
- Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu chế tài để xử lý đối với trường hợp y bác sĩ cố tình chẩn đoán giới tính thai nhi. Như Hàn Quốc xử lý rất nghiêm, phạt các cơ sở vi phạm 100.000 đô la, Trung Quốc tước giấy phép hành nghề, thậm chí bỏ tù. Ở Việt Nam đây là vấn đề mới, phải làm từng bước. Nếu vi phạm có thể bị tước giấy phép hành nghề, sau này hình phạt có thể tăng lên.
Đối với dân phải vận động, thuyết phục chứ không nên mang chế tài ra để de dọa, mà bần cùng bất đắc dĩ mới dùng đến. Nhưng vẫn phải có chế tài. Chúng tôi đang xây dựng hai dự thảo nghị định về xử lý cán bộ công viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và sửa đổi nghị định 14 trước đây về xử lý vi phạm hành chính trong vấn đề dân số, gia đình và trẻ em. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
- Đề án can thiệp này có nhắc tới việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất. Cụ thể những biện pháp hỗ trợ đó là gì?
- Chúng tôi cũng mới đề ra mục tiêu này còn việc thực hiện như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Ở các nước khác, trẻ em gái vào cấp 3, thi đại học được cộng điểm so với trẻ em trai, hoặc được miễn học phí. Hay những gia đình có một hoặc cả hai đều là con gái thì sẽ được ưu tiên hơn khi chia nhà chia đất.
Tại Trung Quốc, những cặp vợ chồng chỉ đẻ một hoặc hai con gái thì sau 49 tuổi sẽ được trợ cấp hàng tháng 80 tệ, tương ứng với 200.000 đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến của Quốc hội nhưng vấn đề ở đây là phải tìm được nguồn kinh phí.
- Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề án?
- Để nói rằng ngay năm sau sẽ giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là điều không khả thi, duy ý trí. Chúng tôi cũng chỉ dám đề ra mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh. Dự án được triển khai trong 2 năm, tiến hành thí điểm ở 11 tỉnh, thành phố sau đó chúng tôi sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm xem cách làm nào đúng, để triển khai rộng hơn.
Theo một khảo sát gần đây trên VnExpress.net, trong số gần 1.500 người được hỏi, hơn một phần ba không quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính ở Việt Nam. |
Nam Phương