Chiều 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản trả lời một số vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến việc Bộ Tài nguyên & Môi trường quyết định thanh tra toàn diện dự án khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên) xuất phát từ lý do gì? Ông Mai Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra, hàng năm các bộ ngành và địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt.
Ngày 25/11/2015, Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã ban hành Quyết định 3018 phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ, trong đó dự kiến tiến hành thanh tra một số cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo).
Ngoài ra, dự án khoáng sản Núi Pháo được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định 233 ngày 28/2/2005 và số 370 ngày 6/3/2008. "Do vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra về tài nguyên, môi trường đối với công ty này theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quy định", người phát ngôn Chính phủ nói.
Tháng 6/2016, người dân xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã có khiếu nại, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án khoáng sản Núi Pháo.
Ngày 14/7, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 147 báo cáo về quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của Công ty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân khu vực xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Cùng ngày, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về nội dung này và thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh thanh tra về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu tháng 8/2016.
"Việc thanh tra toàn diện về tài nguyên, môi trường đối với Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước. Qua thanh tra, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật. Nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời giải quyết thoả đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân với hoạt động của công ty này", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nằm ở tỉnh Thái Nguyên, dự án Núi Pháo được cấp giấy phép thăm dò và khai thác trong năm 2005 sau khi các hoạt động khoan và thăm dò được bắt đầu từ năm 2000. Năm 2010, mỏ được chuyển giao từ Dragon Capital cho Tập đoàn Masan sau thời gian dài ít tiến triển. Thời điểm đó, nguồn tin của báo Đầu tư chứng khoán cho biết Masan đã chi tới 250-300 triệu USD cho thương vụ mua lại này.
Núi Pháo được đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới khi chiếm 33% tổng sản lượng toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc). Đây là kim loại được sử dụng trong đầu khoan, dụng cụ cắt và thép chịu tải cao, các vi mạch xử lý cho điện thoại thông minh và thiết bị điện tử.
Sau khi tinh luyện, phần lớn sản phẩm vonfram từ mỏ sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đến nay, tập đoàn đã đầu tư 550 triệu USD vào dự án, biến đây trở thành mỏ vonfram đầu tiên trên thế giới gia nhập thị trường trong 15 năm qua. Masan Resources hiện có vốn điều lệ gần 7.200 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Masan nắm 74,2%. Tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 25.106 tỷ đồng, tương đương 1,15 tỷ USD.
Võ Hải - Nguyễn Hoài