Theo Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường HCM, tranh thủ điều kiện thời tiết còn thuận lợi, các đơn vị tập trung chỉ đạo, chỉ huy tăng cường lực lượng, thiết bị, hướng mục tiêu phải thông tuyến vào cuối năm nay. Trong đó, hoàn thành khoảng 10 triệu m3 nền đường (50% khối lượng còn lại), đắp khoảng 4 triệu m3; hoàn thành khoảng 60 cầu lớn, cầu trung, cầu nhỏ phục vụ thiết thực việc đi lại trong nội bộ công trường trong mùa mưa lũ năm nay. Đoạn Thanh Hoá - Nghệ An dài 250 km, 4 cầu lớn và 56 cầu trung đã mở thầu 16 gói, chuẩn bị mở tiếp 10 gói thầu vào cuối tháng 7, sẽ khởi động xây dựng trong tháng 8 tới.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn đã kết luận 6 vấn đề trọng tâm, trong đó các đơn vị phải xác định trọng điểm, làm dứt điểm từng hạng mục công trình, từng đoạn tuyến trọng tâm, không dàn trải tràn lan làm chậm tiến độ. Theo Bộ trưởng, có 2 tuyến trọng điểm cần được lưu ý gồm: đoạn từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) sang Xuân Sơn (Quảng Bình) liên quan đến hành lang Đông - Tây, đường 12 từ nước bạn Lào sang đến khu vực cảng Vũng Áng, Cửa Lò; tuyến từ Hiên đi Khâm Đức cố gắng làm được móng 1 đảm bảo giao thông.
Các đơn vị chủ động phòng chống bão lũ, đảm bảo an toàn cho công trình, người và thiết bị thi công, nhất là đề phòng các trận lũ ống gây thiệt hại cho các đơn vị thi công. Riêng chủ trương đối với đoạn tuyến có liên quan đến rừng quốc gia Cúc Phương, trong tháng 7 này, Bộ phải hoàn thành việc thương thảo với Bộ KHCN&MT, trường hợp không có kết luận thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề chăm sóc sức khoẻ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, lãnh đạo Bộ nhắc nhở các cơ quan liên quan triển khai sớm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thợ xây dựng trên công trường. Việc trồng rừng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT đã quyết định đầu tư khoảng 22 tỷ đồng, dự án đang khẩn trương được triển khai. Toàn công trình phấn đấu đạt được mục tiêu thông đường ở một số đoạn tuyến trước ngày 31/12.
(Theo Lao Động)