Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020. Trong đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nằm trong danh sách chuyển giao từ Bộ Công Thương về SCIC trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước.
Cổ đông Nhà nước hiện sở hữu 36% vốn tại Sabeco, tương đương 230,8 triệu cổ phần. Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên giao dịch gần nhất là 162.800 đồng, tổng giá trị số cổ phiếu này đạt gần 37.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.
Gần đây, trước thông tin từ Bloomberg về việc tỷ phú Thái muốn nhượng cổ phần tại Sabeco sang nhà đầu tư khác, đại diện Bộ Công Thương khẳng định không có chủ trương mua lại cổ phần của doanh nghiệp này. ThaiBev - công ty mẹ của Vietnam Beverage, cổ đông lớn nhất của Sabeco cũng phải lên tiếng phủ nhận chuyện đang tìm kiếm người mua lại mảng kinh doanh tại Việt Nam.
"Công ty không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào", ThaiBev khẳng định. Đồng thời công ty này cam kết hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các mảng tại Việt Nam, đặc biệt với Sabeco nhằm củng cố vị thế nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu trong ngành bia.
Năm nay, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần giảm 37% còn 23.800 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Ngoài kế hoạch doanh thu thận trọng, lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến giảm 39%, xuống 3.252 tỷ đồng.
Trình cổ đông mục tiêu khiêm tốn, Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, thị trường bia đang đối mặt với những khó khăn lớn từ chính sách khi Nghị định 100 liên quan đến cấm lái xe khi uống rượu bia. Đồng thời, Nghị định 24 có hiệu lực cũng đặt ra các quy định khắt khe hơn với hoạt động tiếp thị, quảng cáo bia.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam cũng lo ngại tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh khi các quán bia rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm phải đóng cửa trong thời gian dài. Sự cạnh tranh thị phần cũng gay gắt hơn dù xu hướng tiêu thụ các dòng bia cao cấp có thể tăng nhờ thu nhập người dân được cải thiện.
Bên cạnh Sabeco, danh sách chuyển giao vốn chủ sở hữu về SCIC trước ngày 31/8 còn 13 công ty khác thuộc Bộ Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngoài ra, danh sách thoái vốn năm nay còn 120 doanh nghiệp do cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu tự thoái vốn. Có 4 doanh nghiệp phải thoái trước ngày 30/11, không hoàn thành phải chuyển giao về SCIC trước 31/12 gồm Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Xây dựng số 1, Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).
Minh Sơn