Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết tin trên tại Hội nghị về tuyển sinh lớp 10, chiều 8/4.
Năm nay, thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 64% có chỗ học lớp 10 công lập, tương đương hơn 81.000.
Năm ngoái, trong 133.000 em học xong lớp 9, số đỗ lớp 10 trường công khoảng 77.000. Theo Sở, so với các năm gần đây, tỷ lệ đỗ năm nay tăng khoảng 3-4%.
"Như vậy, chúng ta có đông học sinh vào trường công hơn, phần nào tránh dư luận hay nói là vào trường công áp lực, khó khăn, vất vả", ông Cương nói.
Giám đốc Sở cho biết một trong những lý do là thành phố có thêm 4 trường THPT, nằm ở Cầu Giấy, Đông Anh, Thanh Trì và Long Biên, dự kiến tuyển sinh từ năm tới. Các trường khác cũng sắp xếp lại hệ thống phòng học đã có, tận dụng diện tích để xây phòng mới.

Ông Trần Thế Cương tại hội nghị chiều 8/4. Ảnh: Thanh Hằng
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 của Hà Nội diễn ra ngày 7-8/6. Sáng ngày đầu tiên, thí sinh thi môn Ngữ văn trong 120 phút, chiều thi Ngoại ngữ trong 60 phút. Sáng 8/6, các em thi Toán trong 120 phút. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn theo thang 10, không nhân hệ số, cùng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Như mọi năm, học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào hệ đại trà, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 bất kỳ. Các em không được thay đổi nguyện vọng sau khi đăng ký.
Những năm qua, số học sinh ở Hà Nội tăng khoảng 50.000-60.000 mỗi năm, tương đương 30-40 trường học. Lãnh đạo thành phố và ngành giáo dục nhiều lần kiến nghị được hưởng cơ chế đặc thù, như tính diện tích sàn thay đất sử dụng, cho các trường ở nội thành nâng tầng và xây thêm tầng hầm... Việc này nhằm giảm sĩ số lớp, giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 mà các trường vẫn đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.
Tháng 10 năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định 125 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, cho phép các đô thị như Hà Nội, TP HCM có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích đất khi xây trường.
Thanh Hằng