Ông Thi cho rằng, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội chọn chưa trúng người trả lời về lạm phát, nên mới có hiện tượng mỗi bộ trưởng trả lời một kiểu. "Vấn đề này không phải trách nhiệm của từng bộ mà phải là của Thủ tướng. Chỉ Thủ tướng mới xứng tầm để trả lời", ông Thi nói.
Theo đại biểu Thi, tại kỳ họp, Quốc hội nên tập trung chất vấn Thủ tướng. Tùy từng vấn đề cụ thể, Thủ tướng có thể phân công phó thủ tướng hoặc các bộ trưởng trả lời. "Riêng chất vấn bộ trưởng chỉ nên diễn ra ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ nhiệm Thi đề xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói: "Quốc hội nên chọn vấn đề bức xúc nhất trong 6 tháng trước đó để chất vấn Thủ tướng. Cách làm này sẽ tránh được hiện tượng bộ trưởng chuẩn bị văn bản trả lời dài dòng, đồng thời giúp đại biểu không hỏi lan man".
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn góp ý: "Nên bố trí một buổi để Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Quốc hội cũng cần ra nghị quyết về các vấn đề đã được chất vấn để bảo đảm những vấn đề đó được nghiêm túc giải quyết và có chế tài đối với việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng".
Ghi nhận những ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Lần sau sẽ tăng thời gian cho Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp".
Chiều nay, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Pháp lệnh công an xã và nhân sự Phó tổng kiểm toán nhà nước.
Theo tờ trình của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ tư dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào hạ tuần tháng 11. Quốc hội sẽ thông qua 8 dự luật và một nghị quyết, trong đó có: Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật công vụ; Luật quốc tịch; Luật bảo hiểm y tế; Luật giao thông đường bộ. Quốc hội cũng cho ý kiến về 12 dự luật, trong đó có: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật bồi thường nhà nước; Luật báo chí; Luật quy hoạch đô thị; Luật cơ quan đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. |
Hồng Khánh