Tại các chợ quê, gà chưa qua kiểm dịch được bán tự do. Ảnh: Anh Tuấn |
1 trong 8 giải pháp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thành lập Hội đồng khoa học để tư vấn về việc sử dụng vaccine, phối hợp chỉ đạo việc sử dụng vaccine phòng ngừa bệnh cúm đối với gia cầm.
Trước đó, nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đề nghị được sử dụng vaccine, nhưng Bộ Nông nghiệp còn e dè. Theo Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh, vaccine như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng và quản lý không chặt có thể tác động vào con gia cầm mang mầm bệnh và như thế càng nguy hiểm hơn. Thêm vào đó, mùa đông là thời gian virus cúm ở người và gia cầm đều phát triển mạnh, đưa vaccine vào gà vịt đồng nghĩa với việc đổ dầu vào lửa.
Trong công điện hôm nay, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh việc tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các biện pháp phòng chống dịch cúm; kiểm dịch bệnh đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, thôn, ấp; nếu phát hiện dịch phải tiêu huỷ gia cầm bằng cách đốt hoặc kết hợp đốt trước khi chôn; tổ chức tiêu độc, khử trùng 3 lần/tuần đối với tất cả cơ sở chăn nuôi, đầu mối lưu thông; tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm và chống nhập lậu qua biên giới.
Để động viên các lực lượng tham gia phòng chống cúm gia cầm, Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị các tỉnh thành cần có chế độ thù lao, động viên khen thưởng kịp thời những người tích cực và có nhiều đóng góp.
Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm đã lan tới 51 xã, 29 huyện của 9 tỉnh. Riêng ngày 10/1 có thêm 4 điểm phát dịch ở Tiền Giang, Bạc Liêu và Đồng Tháp, nâng tổng số điểm dịch trong 10 ngày đầu năm 2005 là 54. Tại 9 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, số gia cầm chết, tiêu huỷ là 26.230 gà, 34.630 vịt và 43.000 cút.
Theo thú y địa phương, dù chưa có kết quả xét nghiệm huyết thanh, song để ngăn chặn đại dịch, chỉ cần gia cầm chết hàng loạt, hoặc có dấu hiệu kém ăn, mắt đỏ, mào thâm là đã bị tiêu huỷ.
Như Trang