Luật quy định người dân bắt buộc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình từ ngày 1/1. Thời gian đầu, quy định này khiến không ít người dân gặp khó khi một số đại lý yêu cầu hộ gia đình phải xuất trình bản photo giấy tạm vắng, giấy ly hôn… Bên cạnh đó, giảm trừ dần mức đóng từ người thứ hai tham gia nhưng với nhiều gia đình đây vẫn là khoản tiền lớn. Ví dụ, trước đây một người chỉ trả tiền bảo hiểm 620.000 đồng một năm, trong khi nếu cả gia đình 5 người cùng mua thì số tiền phải chi lên gần 2 triệu đồng.
Để gỡ rối và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia bảo hiểm y tế, chiều 2/7, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm với 63 tỉnh thành.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: N.Phương.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc phát hành thẻ theo quý. Theo đó, người đầu tiên tham gia vẫn sẽ trả tiền đầy đủ một năm, nhưng từ người thứ hai có thể đóng mệnh giá nửa năm hoặc thậm chí là 3 tháng”.
Theo Bộ trưởng, cách này thêm công việc, khó khăn cho đại lý bảo hiểm nhưng tạo điều kiện cho các gia đình còn khó khăn về kinh tế có thể tham gia bảo hiểm y tế. Mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là bắt buộc. Mục tiêu đến cuối năm nay 75% dân số nước ta phải có thẻ bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện có 24/63 tỉnh thành tỷ lệ tham gia bảo hiểm trên mức trung bình của cả nước; một số tỉnh còn dưới 60% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ tham gia cao nhất trên 90% là các tỉnh Tây Bắc vì toàn bộ đối tượng được bao cấp; trong khi thấp nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện cho được mục tiêu ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế trong năm nay, vì bảo hiểm y tế là vấn đề liên quan đến tất cả người dân.
“Nếu chúng ta không mở rộng bảo hiểm y tế thì không thể nào thực hiện đồng bộ được việc nâng chất lượng khám chữa bệnh; kể cả liên quan đến việc xây dựng bệnh viện và cơ sở vật chất. Cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ quan thuế thu được bảo hiểm trong doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Tính đến ngày 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số; giảm 1,4 triệu người so với cuối năm ngoái. 8 địa phương gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ bao phủ bảo hiểm y tế được trên 55% dân số.
Tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ, trốn đóng bảo hiểm nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình có tỷ lệ tham gia thấp do nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế còn lại. Nhóm học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia. Nhiều tỉnh có 20% học sinh, sinh viên chưa mua bảo hiểm y tế.
Nam Phương