Trước nguy cơ dịch lan rộng, Phó thủ tướng chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh thành không được chủ quan với dịch, huy động từ nhà sản xuất, kinh doanh tới người tiêu dùng vào công tác phòng chống dịch, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với công tác phòng chống dịch.
![]() |
Bộ Nông nghiệp quản lý người nuôi vịt chạy đồng bằng sổ đăng ký. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Kể từ khi dịch xảy ra vào cuối năm 2003, đến nay, Việt Nam đã trải qua 5 đợt dịch. Đợt thứ năm bắt đầu từ cuối tháng 12/2006 đến nay đã làm gần 90.000 thuỷ cầm và 12.000 gà mắc bệnh. Virus cúm được phát hiện chủ yếu trên đàn vịt chăn nuôi nhỏ lẻ, ấp nở trái phép và chưa được tiêm phòng văcxin.
“Trước đây ta vẫn chủ quan cho rằng dịch chỉ xảy ra ở khu đông dân cư, gần đường giao thông. Nhưng những ổ dịch lẻ tẻ được phát hiện tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy virus cúm tồn tại khắp nơi, không vùng nào là an toàn”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cảnh báo.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người vẫn rất lớn. Lào, quốc gia sát với Việt Nam, lần đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc cúm A H5N1 ở người vào ngày 4/3. Một số quốc gia châu Á như Indonesia, Ai Cập và Trung Quốc vẫn chưa không chế được dịch cúm trên gia cầm và trên người.
Điều đặc biệt nguy hiểm là kết quả giám sát trọng điểm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy, trong cộng đồng vẫn lưu hành các chủng virus cúm gây bệnh khác nhau. Nếu virus cúm A H5N1 vẫn tồn tại và phát triển thì nguy cơ đột biến và tái tổ hợp của virus tạo ra chủng mới gây đại dịch trên người là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẩn thiết đề nghị các địa phương vận động nhân dân thay đổi tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm, chuyển sang chăn nuôi và giết mổ tập trung. Trước mắt, ông Phát đề nghị các địa phương tập trung vào việc tiêm phòng dịch, đặc biệt quan tâm tới những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Hồng Khánh