- So với đợt 1 kỳ thi ĐH năm 2002, năm nay số thí sinh bị xử lý kỷ luật tăng hơn 20%, đình chỉ thi tăng 50%, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Tôi cho rằng các giám thị đã tích cực hơn trong việc xử lý các vi phạm quy chế. Năm ngoái, số người đem tài liệu vào phòng thi không ít hơn năm nay, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Số thí sinh bị xử lý kỷ luật ít là do các giám thị chưa nghiêm túc. Năm nay, Bộ quy định những giám thị nào không thực hiện đúng nhiệm vụ cũng sẽ bị xử lý kỷ luật. Do đó, vấn đề xử lý vi phạm quy chế đã nghiêm túc hơn.
- Theo thống kê của Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2003, chỉ có 10 trường hợp thi hộ. Dư luận cho rằng con số này chưa phản ánh đúng thực tế?
- Đây chỉ là số trường hợp đã bị các hội đồng thi phát hiện. Hiện nay, còn một số trường hợp đang trong quá trình mở rộng điều tra nên nhiều trường còn chưa công bố, nhất là những đường dây thi kèm. Để giúp thí sinh làm bài có thể có 3-4 thí sinh giả mạo trà trộn vào phòng thi. Việc phát hiện, điều tra những trường hợp này phải có thời gian.
- Các thủ đoạn thi hộ đang ngày càng tinh vi hơn, hình thành đường dây có tổ chức. Vậy trong kỳ thi ĐH đợt 2, Bộ có biện pháp gì để phát hiện các trường hợp thi hộ, thi kèm?
- Chúng tôi sẽ yêu cầu giám thị kiểm tra thật kỹ gương mặt của thí sinh dự thi với danh sách ảnh trong hồ sơ đăng ký. Đối với trường hợp thí sinh có tên họ gần giống nhau, ngồi gần nhau, các hội đồng thi phải lập tức chuyển đổi chỗ ngồi và theo dõi chặt chẽ những thí sinh này. Những sinh viên thi hộ, thi kèm sẽ bị đuổi học ngay. Đối với thí sinh trúng tuyển, các trường phải kiểm tra tính hợp pháp của ba bài thi xem chữ có giống nhau không. Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các trường kiểm tra triệt để chữ ba bài thi với chữ thí sinh bắt đầu nhập học. Năm ngoái, các trường chỉ áp dụng biện pháp này với trường hợp nghi ngờ, nhưng năm nay sẽ áp dụng với tất cả thí sinh trúng tuyển. Để đảm bảo công bằng, chống gian lận thi cử chúng ta phải chấp nhận tốn kém.
Việt Anh thực hiện