Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: T.D. |
- Bản báo cáo phương hướng nhiệm vụ năm học tới cho thấy, Bộ GD&ĐT sẽ có rất nhiều việc phải làm. Bộ trưởng cho biết vấn đề trọng tâm trong năm học tới là gì?
Năm nay, Bộ tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Hai không". Kỳ thi vừa qua đã nghiêm túc hơn nhưng năm tới phải tổ chức thi nghiêm túc hơn nữa. Bộ đã thống kê kết quả thi và có thể nhận xét hội đồng thi nào có kết quả bình thường hay bất thường. Bộ sẽ yêu cầu chấm lại một số hội đồng thi có dấu hiệu bất bình thường của từng tỉnh và sẽ gửi kết quả cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh để biết tình hình.
Năm nay, Bộ chỉ thông báo các hội đồng thi có nghi vấn để địa phương xem xét nhưng năm tới sẽ công bố cả nước. Mục đích là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 phải đáng tin cậy để qua năm 2010 có thể bớt đi một kỳ thi. Do năm tới không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 nên phải tiếp tục khắc phục việc học sinh ngồi sai lớp và hỗ trợ học sinh yếu kém.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học. Năm tới tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy Văn, Sử, Địa - những môn lâu nay xã hội chưa yên tâm. Thứ ba, đổi mới quản lý của nhà trường, trong đó có đổi mới quản lý tài chính, thực hiện công khai các tiêu chí chất lượng, điều kiện vật chất và chi tiêu để phụ huynh có thể giám sát.
Thứ tư, ngành sẽ tập trung vào 5 dự án trọng điểm. Đó là, thực hiện đến 2010 chương trình phổ cập mầm non: 98-99% trẻ 5 tuổi được đi học; Phát triển xây dựng các trường chuyên thành nơi bồi dưỡng nhân tài tại các địa phương; Phát triển các trường dân tộc nội trú; Bồi dưỡng khoảng 10.000 hiệu trưởng trường phổ thông; Phát triển giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.
- Việc điều chỉnh sách giáo khoa năm học tới đây sẽ như thế nào?
- Bộ GD&ĐT đã báo cáo với Chính phủ, Quốc hội từ nay đến 2010 tiếp tục đánh giá chương trình và sách giáo khoa để đến 2010 sẽ quyết định biên soạn bộ sách giáo khoa mới.
Năm vừa qua, Bộ đã đánh giá các môn từ lớp 1 đến lớp 11. Năm nay, bên cạnh đánh giá rộng, sẽ đi sâu một số môn như cải tiến dạy Văn, Sử, Địa, đánh giá lại hiệu quả của 2 môn giáo dục công dân và môn thủ công của bậc tiểu học.
- Năm học vừa qua, lượng học sinh cả nước bỏ học khá nhiều. Bộ sẽ có biện pháp gì để khắc phục hiện tượng này?
- Nhiều gia đình không đủ điều kiện kinh tế cho con đi học cần được giúp cái gì? Có lần tôi làm việc với Trà Vinh, lãnh đạo tỉnh nói chỉ cần giúp những gia đình khó khăn mỗi tháng 10 kg gạo thì các em có thể đi học được, hoặc các em ở xa cần có xe đạp đi học. Ở miền núi, các em đi học rất xa thì phải phát triển trường nội trú dân nuôi...
Thầy cô phải thay đổi phương pháp dạy học, chăm lo học sinh khá giỏi nhưng phải đặc biệt bồi dưỡng học sinh yếu kém để các em vươn lên và không chán nản. Các trường phải tăng cường vui chơi cho học sinh. Vùng miền núi rất phù hợp đưa những trò chơi dân gian vào nhà trường.
Hiện, thống kê bỏ học của chúng ta chưa phân biệt được học sinh bỏ học hay ở nhà đi làm việc khác. Năm tới, Bộ sẽ thống kê sâu hơn. Nếu ngành giáo dục coi trọng việc giúp học sinh yếu kém, tạo môi trường học thân thiện thì sẽ góp phần khắc phục hiện tượng bỏ học.
Tiến Dũng ghi