Theo ông Thắng, 4 bộ gồm Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Công an, Lao động Thương binh Xã hội sẽ có có công văn cử người tham gia đoàn liên ngành - theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đoàn liên ngành có 3 nhiệm vụ: khắc phục hậu quả vụ SITC; kiểm tra các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài; rà soát các văn bản pháp quy lĩnh vực GD&ĐT, nhằm bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ quyền lợi học viên, giáo viên, người lao động sau vụ đổ vỡ của SITC.
![]() |
Cơ sở chính của SITC Hà Nội. Ảnh: T.H. |
Ông Thắng cho biết, hiện có 2 phương án giải quyết các trung tâm SITC tại Việt Nam. Phương án thứ nhất chuyển nhượng cho các nhà đầu tư mới. Phương án thứ hai là chấm dứt hoạt động, tuyên bố giải thể các trung tâm SITC.
Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, phương án thứ nhất rất khó thực hiện vì muốn chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư. Trong khi, Tổng giám đốc Michael Yu chiếm tới 51% cổ phần SITC. Nếu theo phương án thứ hai, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ căn cứ pháp luật hiện hành về giải thể, phá sản để xử lý, đảm bảo quyền lợi cho các học viên, giáo viên, người lao động.
Trong đợt khám xét các trung tâm SITC tại Hà Nội hôm 2/3, tài khoản của SITC Hà Nội chỉ còn 200 USD và 1 triệu đồng. Khoản học phí hàng trăm nghìn USD của học viên đã bị Michael Yu rút sạch. "Với tình hình tài chính như vậy của SITC, học viên hy vọng gì vào khả năng đền bù?". Trả lời câu hỏi này của VnExpress, ông Thắng cho biết, sau khi đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng sẽ có hướng xử lý thích hợp. Hiện nay, chưa đặt vấn đề nhà nước hỗ trợ các học viên.
Đến ngày 2/3, đã có hơn 30 cơ sở giáo dục đề nghị hỗ trợ học viên SITC. Nhiều đơn vị đưa ra giải pháp thuê lại giảng viên của SITC, tổ chức lại các lớp học... Một số khác lại đề nghị miễn giảm 100% học phí cho các học viên SITC khi học tại trung tâm của họ.
Việt Anh