Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cho biết, nguyên liệu khí khai thác từ mỏ cá voi xanh (lô 117, 118, 119) ở ngoài biển vào Khu kinh tế Dung Quất. Sau khi phân tích sơ bộ mỏ cá voi xanh, các chuyên gia đưa ra tín hiệu lạc quan, có thể tận dụng các nguồn khí này để phát triển các nhà máy điện và hóa dầu.
"Khu kinh tế Dung Quất là nơi đầu tiên vừa được chính phủ cho phép tiếp nhận, xử lý nguồn nguyên liệu khí khai thác ngoài khơi vùng biển miền Trung để sản xuất điện, phát triển ngành công nghiệp hóa dầu trong tương lai gần", ông Giang nói.
Theo ông Giang, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Trong quy hoạch này, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ các mỏ thuộc các lô 117, 118, 119 về tỉnh Quảng Ngãi với công suất thiết kế khoảng 2 đến 4 tỷ m3 mỗi năm. Chính phủ cũng định hướng nghiên cứu, xây dựng mới nhà máy xử lý khí ở khu vực này với lưu lượng khoảng 1 đến 4 tỷ m3/năm, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2018.
"Căn cứ vào xu hướng phát triển phù hợp với kinh tế Việt Nam, qui mô ngành công nghiệp, nguồn nhân lực Việt Nam, chúng tôi tận dụng tiềm năng, lợi thế có được nỗ lực xây dựng Tổ hợp lọc, hóa dầu vừa có chủng loại sản phẩm đa dạng vừa đạt sản lượng, chất lượng mang tính chiều sâu", ông Giang nhấn mạnh.
Ông Giang nhận định, dự án đưa khí vào Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) có nhiều thuận lợi, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có gồm cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông thuận lợi, có kho vật tư, phụ tùng, nhà xưởng của nhà máy lọc dầu. Bên cạnh đó, kế hoạch này có thể tận dụng "chất xám" của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm (không phải tốn chi phí đào tạo).
Ông Giang cho rằng, việc đưa khí vào xử lý tại Dung Quất sẽ tạo tiền đề xây những khu công nghiệp kết nối được những sản phẩm đầu ra của nhà máy lọc dầu. Các nguồn khí này trở thành nguyên liệu đầu vào tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hóa dầu trên nền tảng các sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trí Tín