Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2007, Việt Nam đã đưa 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay và vượt so với chỉ tiêu do Quốc hội giao là 5.000 người.
Malaysia dẫn đầu về con số với 26.700 người, nhưng so với năm trước đó vẫn giảm 11.000. Lao động không còn mặn mà với thị trường này, bởi mức lương không hấp dẫn. Tuy nhiên, trong năm 2008, Bộ Lao động vẫn xác định cần giữ vững thị trường này bởi nó khá dễ tính, thích hợp với lao động nghèo.
![]() |
Lao động Việt Nam làm việc tại một xưởng chế tác vàng ở Malaysia. |
Thị trường Đài Loan đứng thứ hai về khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam, với 23.600 người. So với năm trước đó, con số này đã cao hơn hẳn, mặc dù lãnh thổ này vẫn duy trì lệnh dừng tiếp nhận người giúp việc gia đình và chăm sóc bệnh nhân từ đầu năm 2005.
Hàn Quốc năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng đưa đi, với 12.200 người. Các năm trước đó, Việt Nam đưa lao động sang Hàn theo chương trình tu nghiệp sinh, mỗi năm chỉ được 2.500-3.000 người. Từ khi Việt Nam đưa lao động đi theo chương trình cấp phép mới thì con số đã tăng mạnh.
Thị trường Nhật Bản năm qua tiếp nhận 5.500 lao động, bằng với năm trước đó. Riêng Trung Đông, với sự "đổ bộ" rầm rộ của các doanh nghiệp Việt Nam, số nhân công Việt Nam sang các nước đạo Hồi đã tăng đáng kể, trong đó Qatar gần 4.700, UAE 2.100.
Hiện cả nước có trên 500.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hằng năm, số lao động này chuyển về gia đình khoảng 1,6 tỷ USD.
Hồng Khánh