Thông tin được giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức tại TP HCM ngày 28/5. Bao bì thuốc lá trơn in theo chuẩn mực chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo. Việc in trên vỏ bao các thông tin làm cho người tiêu dùng hiểu sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc hiểu sai về tính chất, tác động của nó đối với sức khỏe.
Trên thế giới mỗi năm có gần 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong đó gần 5 triệu ca tử vong ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và đói nghèo. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do những căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới một tỷ người.
Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số lượng người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với tỷ lệ hút thuốc nam giới trên 47%, nữ giới 1,4%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ở người trưởng thành tại các khu vực trong nhà, nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng tuy giảm hơn nhưng vẫn còn khá cao. So với năm 2010 thì năm 2015 tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh thuốc lá gây ra những căn bệnh nguy hiểm như đột quỵ, ung thư phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản... Người nghiện thuốc lá phải chi trả một số tiền lớn để điều trị những căn bệnh di chứng do thuốc lá để lại.
Tại TP HCM, trước khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá ra đời năm 2013, thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND cho biết thành phố tiếp tục vận động giảm tỷ lệ người hút thuốc ở nam giới là 53% xuống còn 30%, ở nữ giới còn dưới 2% và mục tiêu đạt 80% nơi công cộng không có người hút thuốc lá.
Lê Phương