Bộ Lao động Mỹ thông báo tổng số người mất việc trong tháng lên tới 62.000 người. Theo khảo sát của trang web Briefing.com, phần đông những người được hỏi đều dự đoán con số này là 60.000. Tháng 5, số người nghỉ việc chỉ là trên 49.000 người. Thống kê của tháng 6 đã nâng tổng số người thất nghiệp trong năm lên 438.000 người.
Trong một báo cáo độc lập khác, Bộ Lao động cho hay số người yêu cầu nhận bảo hiểm thất nghiệp đã tăng vọt từ 16.000 lên 404.000 trong tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 trở lại đây.
Thi trường lao động tại Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng vào mùa hè và mùa thu, khi sinh viên tốt nghiệp bắt đầu tìm việc làm. Ảnh: franchisepick.com. |
Nạn thất nghiệp tập trung chủ yếu trong ngành sản xuất và xây dựng, hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc suy thoái kinh tế Mỹ.
Ngay cả khi việc làm trong các công ty sản xuất ôtô và linh kiện ôtô tăng nhẹ về số lượng, thì khối sản xuất nói chung tại Mỹ cũng mất 33.000 việc làm.
Con số của ngành xây dựng là 43.000 chỗ làm, trong đó lĩnh vực nhà ở chiếm một nửa.
Không chỉ giới hạn trong những lĩnh vực vừa nêu, khu vực bán lẻ cũng phải cắt giảm 7.500 nhân công, các tổ chức, công ty trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ chuyên nghiệp thậm chí còn phải “mạnh tay” hơn với 51.000 người phải nghỉ việc.
Thị trường lao động tại Mỹ cũng có những điểm sáng hiếm hoi. Khối Chính phủ mang lại việc làm cho 29.000 người. Lĩnh vực giáo dục, dịch vụ y tế cũng cung cấp thêm cho người lao động ngần ấy việc làm. Cuối cùng là các ngành dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng góp thêm 24.000 chỗ làm việc.
Dẫu sao, hiện rất ít người tin rằng tình hình tồi tệ sẽ sớm kết thúc. Một số nhà kinh tế phân tích, thất nghiệp tăng trong tháng 6 do nạn lụt tại Trung Tây nước Mỹ. Họ cho rằng mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi nhiều khi mà chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát, kinh tế trì trệ, và sự giảm sút của tâm lý người tiêu dùng khiến nhiều công ty không tìm được khách hàng, buộc phải cắt giảm nhân công.
Ba đại gia của ngành công nghiệp xe hơi tại Mỹ là General Motors, Ford, và Chrysler LLC đều tuyên bố có kế hoạch cắt giảm sản lượng ở các mẫu xe tải do doanh số bán hàng suy giảm. Hành động này có thể sẽ kéo theo tình trạng cắt giảm nhân sự tại các hãng trên. Tình trạng tương tự diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, xây dựng, hàng không, và tài chính.
Starbuck vừa tuyên bố vào thứ ba là sẽ đóng cửa tới 600 cửa hàng, điều này đồng nghĩa với việc 12.000 lao động đối mặt với tình trạng ngồi không.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nạn thất nghiệp sẽ còn tồi tệ tới cuối năm khi mà sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu tìm việc làm. Mọi chuyện sẽ vẫn không khá hơn ở cả nửa đầu năm 2009. Theo ông đó là do kinh tế Mỹ đến thời điểm đó vẫn chưa hồi phục đủ mạnh để cải thiện tình hình thị trường lao động.
Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sau nửa đầu năm 2009 sẽ là 5,7%.
Ông Joel Prakken, Chủ tịch của Macroeconomic Advisers, cảnh báo rằng có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động còn có thể tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia.
Theo ông, nửa cuối năm nay, nền kinh tế Mỹ sẽ rất “mong manh”. Trong giai đoạn này chỉ cần một cú sốc, như những vấn đề tài chính và tín dụng vừa qua, thì tình trạng thất nghiệp sẽ còn “tăng tốc” nhanh hơn nữa.
Xuân Hòa (Theo CNN)