Cục Bảo vệ Thực Vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa ký hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời để triển khai mô hình canh tác dùng phân hữu cơ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một phần trong chương trình phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2020.
Cụ thể, phân bón hữu cơ sẽ được áp dụng trong phát triển mô hình lúa hữu cơ, mô hình sản xuất lúa SRP (Sustainable Rice Platform – nền tảng lúa bền vững). Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành xây dựng giải pháp dinh dưỡng cây trồng theo hướng áp dụng sản phẩm hữu cơ trên lúa và một số cây ăn trái như sầu riêng, chanh dây, thanh long, bưởi da xanh.
Trong giai đoạn 1, mô hình được thực hiện tại 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang với tổng diện tích 100 ha. Nông dân trong mô hình và cán bộ địa phương sẽ được tập huấn quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ và được hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chuẩn SRP. Ở giai đoạn 2, tổng diện tích được nâng lên 12.800 ha, thực hiện tại 4 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An.
"Chúng tôi tập trung liên kết các nhà, cả liên kết công tư, liên kết doanh nghiệp với người dân, để tạo thành những chuỗi sản xuất giá trị cao. Đặc biệt là các vật tư đầu vào như phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và sự đầu tư của doanh nghiệp cho người dân để ứng dụng sản phẩm đó rồi sau đó thu mua lại", ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết.
Theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến 2020, sản lượng phân bón hữu cơ đạt 3 triệu tấn. Đến nay, Việt Nam đã có 217 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, tổng công suất thiết kế là 3,36 triệu tấn. Hiện có khoảng 2.000 sản phẩm phân bón hữu cơ trên thị trường, chiếm 10% tổng số sản phẩm phân bón hiện có.
"Vừa rồi, Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt, trong đó có chương phân bón. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các nghị định mới về quản lý phân bón, ưu tiên phát triển phân bón hữu cơ", ông Hoàng Trung nói thêm.
Viễn Thông