Kế hoạch trên vừa được Sở Du lịch TP HCM nêu trong báo cáo gửi UBND TP HCM về kết quả phát triển du lịch đường thuỷ giai đoạn 2017-2020 ngày 2/12. Sở đặt mục tiêu đến 2025 du lịch đường thuỷ đạt 1,5 triệu lượt khách và tăng trưởng 10-15% mỗi năm. Doanh thu năm 2025 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 15% mỗi năm, đóng góp 11% vào GRDP của du lịch thành phố.
Để đạt được mục tiêu này, sẽ có nhiều giai đoạn. Cụ thể, năm 2022-2023, Sở sẽ phát triển nhiều mô hình mới như tàu nghỉ qua đêm 100-200 phòng trải nghiệm sông Sài Gòn, tàu gỗ nhỏ chở 10-50 khách để kết nối với các khu rạch nhỏ, kênh cho du khách tham quan di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề. Chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần sẽ được tái hiện. Khu vực này đang có 3-5 thuyền mua bán hàng hoá nên Sở muốn đa dạng hoá các dịch vụ giải trí trên phương tiện thuỷ, hỗ trợ nhà điều hành tour du lịch sông nước để đưa đường sông thành phương thức vận chuyển trong tương lai.
Các câu lại bộ giải trí dưới nước cũng được kết nối như du thuyền, thuyền hơi, chèo thuyền kayak... để hút du khách, tạo không khí nhộn nhịp trên tuyến sông nội đô. TP HCM đã thử nghiệm tour buýt đêm cuối năm 2021 từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Bình An (TP Thủ Đức) và chạy muộn nhất đến 21h vào cuối tuần.
Ngoài ra, TP HCM sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm sẵn có. Cụ thể, tuyến du lịch đi quận 7 (Bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đia), tăng dịch vụ trải nghiệm như chèo thuyền kayak, cano kéo (tại trạm chèo Sài Gòn). Tuyến du lịch Bạch Đằng - Cần Giờ sẽ được mở rộng với phà biển Tắc Suất - Vũng Tàu để trở thành tour liên tỉnh, thu hút khách Đông Nam Bộ.
Loại hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An cũng được đầu tư thành điểm lưu trú, trải nghiệm du lịch khép kín. Tuyến du lịch đường thuỷ từ TP HCM đến Tiền Giang, Bến Tre bằng tàu cao tốc hoặc buýt thuỷ cũng sẽ nâng cấp các bến tàu hiện hữu.
Giai đoạn 2023-2025, sẽ có thêm các lộ trình theo chuyên đề như lịch sử, văn hoá, phát triển đô thị.
Kế hoạch trên đòi hỏi sự hoàn thiện về quy hoạch hệ thống bờ sông, kênh rạch, cảng, bến thuỷ nội địa cũng như hạ tầng. Các dự án như cải tạo đập Năm Lý, Cống kiểm soát triều Bến Nghé, nạo vét kênh Lò Gốm sẽ sớm hoàn thành để không cản trở phương tiện đường thuỷ. Môi trường nước cần cải thiện để giảm ô nhiễm, tăng mỹ quan. Sở Du lịch cũng đề xuất các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Giao thông Vận tải và Tài nguyên Môi trường hoàn thiện các dự án để đảm bảo triển khai phục vụ dịch vụ, thương mại, du lịch...
Giai đoạn 2017-2020, ngành du lịch đường thuỷ đã đa dạng hoá các sản phẩm gồm du lịch đường sông tầm ngắn (tour nội đô dưới 10 km), tầm trung (tour nội đô bán kính 10-60 km), tầm xa (liên tỉnh); du lịch đường biển. Tuy nhiên, tổng lượt khách du lịch giảm dần từ 845.000 lượt năm 2018 còn 297.000 lượt năm 2020. Nguyên nhân được cho là quy hoạch chưa hoàn chỉnh, cơ chế quản lý thiếu toàn diện, cơ sở hạ tầng hạn chế, môi trường nước chưa đảm bảo...
Thu Hằng