![]() |
Một góc rừng nhiệt đới hiếm hoi còn lại ở Việt Nam (Cát Tiên). |
Dự án có tên gọi "Vận dụng quy luật diễn thế rừng để tái tạo lại 30 ha rừng nhiệt đới điển hình của Việt Nam tại khu vực đền Thánh Gióng", với tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ.
Theo giáo sư Trương, một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận rừng nhiệt đới điển hình là ở đó phải có các cây gỗ quý hay gỗ đẹp như đinh, lim, sến, cẩm lai, gụ, trắc, de hương… Trong khi đó, các vùng đồi của ta hiện nay chỉ toàn cây bụi hoặc trảng cỏ, nếu không cũng là các rừng thuần bạch đàn, keo lá tràm, thông…, không thể gọi là rừng nhiệt đới. Chính vì thế, việc tạo rừng trong dự án này thực chất là tạo sinh cảnh cho các cây gỗ quý hiếm có thể mọc. Kết hợp với các cây tạo tán, cây che bóng, cây cải tạo đất và các loại cây phụ khác để hình thành nên một khu rừng nhiệt đới.
Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án tiền khả thi, nghiên cứu về hệ sinh thái tại Sóc Sơn, nơi sẽ tiến hành dự án. Sắp tới, nhóm cộng sự của giáo sư Trương sẽ trình dự án khả thi, trong đó bao gồm những khảo sát về các kiểu rừng ở Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương để chọn ra kiểu hệ sinh thái phù hợp nhất, áp dụng cho dự án tại đền Gióng.
Nếu trong năm nay dự án được thông qua, thì từ năm 2004, việc lập vườn ươm sẽ được tiến hành. Song song với tạo vườn ươm (khoảng 2 năm), các nhà nghiên cứu sẽ chuẩn bị hố và các điều kiện thổ nhưỡng cho việc trồng cây. Đến 2005, cây từ vườn ươm sẽ được đưa ra ngoài thực địa, và tiếp tục được bổ sung các cây tạo tán, cây vành ngoài trong vòng 3 năm sau đó, nhằm tạo độ đa dạng cho hệ sinh thái rừng.
Dự kiến đến năm 2010, 30 ha đất đồi quanh khu vực đền Gióng sẽ bắt đầu mang dáng dấp của rừng nhiệt đới thực sự, với những cây gỗ quý cao từ 5-6 mét, thuộc nhiều tầng tán khác nhau. Mỗi ha có khoảng 100 cây, thuộc 15 giống như lim, gụ, dổi, cẩm lai, cẩm xe, trắc, de hương..., được lấy từ các khu rừng khác ở cùng đai khí hậu nhiệt đới với Sóc Sơn.
Tuy nhiên, để được gọi là rừng, thì ở đó không thể thiếu động vật. Ông Trương cho biết, thông thường, nếu rừng nhân tạo nằm trong vùng đệm hoặc bên cạnh một khu rừng khác, thì các loài động vật sẽ tự động di cư qua lại, mà không cần có sự can thiệp của con người. Nhưng dự án tái tạo ở đền Gióng là rừng cách ly, nên bắt buộc chúng ta phải đưa động vật vào đó. Tuy nhiên, việc này chỉ được tiến hành sau khi cánh rừng đã bắt đầu hình thành, trong đó chủ yếu là các loài động vật dưới và trên mặt đất. Còn với các loài chim, chúng sẽ tự tìm đến nếu thấy sinh cảnh phù hợp.
Nếu thành công thì đây sẽ là dự án đầu tiên nhằm tái tạo một khu rừng nhiệt đới thực sự tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất, rừng sẽ được giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Nhật Minh