Ngày 16/3, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp treo nêu trên. Theo đó, hai điểm đầu và cuối tuyến cáp treo tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chiều dài tuyến cáp trên địa bàn Hòa Bình là 1,5 km; ở Hà Nội 1,5 km.

Ghe thuyền chở du khách vào chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành
Tổng diện tích đất của dự án là 35 ha. Tại tỉnh Hòa Bình, diện tích đất sử dụng 17 ha, gồm nhà ga động lực; khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, bến thuyền, cổng chào chính, chòi dịch vụ.
Tại Hà Nội, diện tích đất sử dụng gần 18 ha, gồm nhà ga chính (khu văn phòng điều hành, quầy bán vé, phòng y tế, cửa hàng bán đồ lưu niệm); khu kỹ thuật - vận hành cáp treo (cabin, phòng kỹ thuật...); khu đón tiếp và không gian cho khách xếp hàng chờ trước khi lên cabin; nhà chờ; chòi nghỉ chân; cây xanh.
Dự án được triển khai từ năm 2022, vận hành cuối năm 2024; vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng; thời gian hoạt động 50 năm.
Năm 2006, hệ thống cáp treo đầu tiên tại chùa Hương được đưa vào hoạt động với 45 cabin đi qua 3 nhà ga (Thiên Trù, Giải Oan và Hương Tích). Tổng chiều dài toàn tuyến cáp hơn một km. Mỗi cabin chở được 6 hành khách và mỗi giờ hệ thống này vận chuyển được chừng 1.000 khách.