Ngày 28/9, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình "Kết nối xanh du lịch Việt Nam", với hơn 30 điểm cầu cả nước.
Trong chương trình, đại diện Hiệp hội Du lịch thông báo sẽ xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh sống chung với Covid-19, dần chuyển thành du lịch an toàn trong dịch bệnh. Cụ thể, sẽ có một bộ tiêu chí gồm đầy đủ yêu cầu với khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và quy định chung với tất cả đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, người lao động, điểm du lịch... để đảm bảo an toàn với Covid-19 khi đi du lịch. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch sẽ cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố trong thời gian sớm nhất. Sau đó, các Sở, Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch địa phương có thể linh hoạt áp dụng vào thực tế.
Các Sở Du lịch, Hiệp hội địa phương vùng xanh và trung tâm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa... đều ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng chương trình khôi phục.
Trong đó Hà Nội dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong tháng 10 với các lĩnh vực cơ sở lưu trú, lữ hành, vận chuyển. Hà Giang đang áp dụng 6 biện pháp để phát triển du lịch như xây dựng điểm đến an toàn, đầu tư xây dựng và giảm giá dịch vụ. Thừa Thiên Huế cho biết 85% lực lượng lao động đã tiêm đủ liều vaccine, số còn lại sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn sắp tới. Đà Nẵng dự kiến trong tháng 12 khi tỷ lệ công dân được tiêm vaccine Covid-19 đạt 80%, sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người dân và mở cửa đón khách ngoại tỉnh, thí điểm đón khách quốc tế trong những tháng đầu năm 2022.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch thứ 4, TP HCM ban hành tiêu chí an toàn du lịch đồng thời tổ chức nhiều tour du lịch tri ân lực lượng y, bác sĩ đến Cần Giờ, Củ Chi theo dạng khép kín. Sắp tới thành phố mong muốn kết nối lại với Vũng Tàu, Bình Thuận.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các Hiệp hội và Sở Du lịch địa phương tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND các tỉnh ban hành tiêu chí an toàn đón khách, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đang giảm dần. Các địa phương cũng cần phân khoanh vùng đỏ (có ca F0) nhỏ nhất có thể để các vùng xanh còn lại được phép đón khách và công bố danh sách các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ đạt yêu cầu để tạo mạng lưới liên kết toàn quốc.
"Chúng tôi mong đầu tháng 10 có thể triển khai những tour đầu tiên đến vùng xanh, không phải đợi thêm nữa. Những đoàn khách đầu tiên lên đường thì chương trình phát động mới coi là thành công", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá chương trình phát động là cầu nồi giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý. Việc mở cửa trở lại sớm các vùng an toàn sẽ có ý nghĩa quan trọng khi các doanh nghiệp đang đình trệ, cạn kiệt qua đợt bùng phát dịch thứ 4. Ông đề nghị các địa phương cần tiêm ngay vaccine Covid-19 cho lực lượng của ngành; đồng thời hỗ trợ các hướng dẫn viên hoàn thành thủ tục để nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tự đánh giá lại và đầu tư hạ tầng trước khi đón khách trở lại. Ngoài ra doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đề xuất các giải pháp để khôi phục, huy động lại hoặc đào tạo mới nguồn lao động.
Lan Hương