Ban soạn thảo do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Phó Ban thường trực. Hai Phó Ban là ông Lê Thành Long (Bộ trưởng Tư pháp) và Võ Văn Dũng (Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương). 13 Ủy viên là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, Ủy viên thường trực các Ủy ban của Quốc hội.
Ban soạn thảo có nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Ban soạn thảo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban soạn thảo kết luận và chỉ đạo thực hiện. Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, có trách nhiệm tham mưu, tổ chức.
Theo kế hoạch, dự thảo Quy định sẽ hoàn thành trong tháng 9 để trình Đảng đoàn Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy định và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tháng 12.
Cũng trong ngày 3/3, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao năm 2022. Trong 4 nhiệm vụ được đề ra có việc chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán....
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đầu tháng 11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, "không để xảy ra việc lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ" của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật.