Gần đây, khi lướt mạng xã hội, tôi thường bắt gặp câu hỏi Mình còn cần nhau? được mọi người đem ra thảo luận. Những dòng bình luận xoay quanh các vấn đề thường gặp trong mối quan hệ gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái như: khi bị sa thải, bạn muốn kể với ai đầu tiên?; nếu gặp phải vấn đề tài chính, bạn có sẵn sàng chưa sẻ với bạn đời?...
Tôi vô tình thấy một tài khoản cá nhân chia sẻ: Hôm nay, mình mất toàn bộ số tiền dành dụm được. Mình không biết phải nói với ai, không biết nên kêu cứu người nào. Trong sự hoảng loạn ấy, có một khoảnh khắc mình đủ bình tĩnh để nhận ra: Tại sao mình không báo với chồng? Tại sao không nghĩ đến việc nói cho anh ấy nghe?.
Đây là một trong những tình huống khiến nhiều người giật mình và tự vấn lại bản thân về tình trạng mối quan hệ của mình với những người kề cạnh nhất. Thiết nghĩ, đôi khi những mối quan hệ đó lại mất kết nối đến kỳ lạ.
Theo lẽ thường, người vợ sẽ có xu hướng tìm đến chồng để kiếm một chỗ dựa, sự chở che và hướng dẫn khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, đôi khi trong những tình huống nhỏ nhặt, khi sự hiện diện của người kia không rõ ràng trong những lúc cần thiết, cũng là lúc chúng ta nên ngẫm lại câu hỏi Mình còn cần nhau?.
Trường hợp như trên không phải ít. Khi tiếp tục lướt những dòng bình luận trên các diễn đàn, tôi ấn tượng với dòng chia sẻ của tài khoản Bảo Đoan. Cô viết, chồng về đến nhà là ôm điện thoại, không trò chuyện với vợ nên đôi khi xích mích không tìm ra được điểm chung. "Nếu mình còn cần nhau, làm ơn giành thời gian cho nhau đi mọi người ơi", Bảo Đoan cảm thán.
Không chỉ xoay quanh mối quan hệ vợ chồng, trong gia đình, sự rạn nứt giữa cha mẹ và con cái đôi khi cũng xuất hiện khi cả hai không để ý, dần dẫn đến nỗi lo: Liệu con có cần mình? Một số bà mẹ kêu than trên các trang cộng đồng gần đây dù con mình vẫn lễ phép nhưng ngoài những chuyện bố mẹ hỏi, dường như không còn kể gì nữa. Thậm chí khi đi ra ngoài chơi, con cũng không còn hào hứng với bữa tiệc, tò mò hỏi mẹ và bố về các món đồ và câu chuyện như trước.
Giữa sự xa cách vô hình này, có người cho rằng con đã lớn nên cần không gian riêng tư và cảm thấy bố mẹ không còn là nơi hiểu mình. Nhiều bậc phụ huynh cũng bối rối, liệu khoảng lặng này là do khoảng cách thế hệ hay do cha mẹ - con cái đã không còn cần nhau?. Tôi cũng băn khoăn khi chẳng mấy chốc, con cái mình cũng lớn và dần xa cách với mình, khó chia sẻ với nhau.
Đối với độ tuổi mới lớn có nhiều biến động về tâm sinh lý, bố mẹ cần kiên nhẫn để lắng nghe và đồng hành cùng con cái. Trong giai đoạn tuổi teen, con càng cần hơn sự hiện diện và sẻ chia của cha mẹ để hiểu rõ chính mình cũng như thắt chặt mối dây liên kết với gia đình.
Đứng trước những nỗi lo này, tôi đọc được bình luận của MC Phan Tô Ny không ngần ngại bày tỏ quan điểm: Tôi nghĩ, ai cũng có lúc mệt mỏi, ai cũng cần được lắng nghe. Nhưng cái tính con người nó ngộ, cứ với người mình thương là chuyện vui hăm hở chia sẻ, chuyện buồn lén cất đi. Dù đã nói với vợ là vui buồn gì cũng có nhau. Nếu cứ như vậy cũng lo mấy chuyện nhỏ lâu dần thành chuyện lớn. Đến lúc tự hỏi liệu mình còn cần nhau nữa không thì không kịp thay đổi.
Dưới dòng chia sẻ của Phan Tô Ny, nhiều cư dân mạng bày tỏ quan điểm đồng tình. Đọc đến đây, tôi cũng sực nhớ mình đã có những khoảnh khắc như vậy. Đơn giản vì tôi không muốn truyền năng lượng tiêu cực đến những người xung quanh, cũng không muốn bị đánh giá là người hay kêu than.
Tôi cũng giống nhiều người khác, đang loay hoay đi tìm lời giải đáp riêng cho bản thân và những người xung quanh. Chủ đề Ai là người đầu tiên bạn nghĩ đến khi mệt mỏi nhất? được đặt ra trên một diễn đàn. Tôi bình luận rằng lúc đó tâm trí quá trống rỗng, chỉ muốn nằm nghỉ rồi tự bo bo nỗi muộn phiền cho riêng mình. Thật tình cờ, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A lại đồng cảm và trả lời phía dưới: "Cuộc đời với bao lo toan, trách nhiệm cứ cuốn xô tất cả chúng ta về phía trước, để khi vấp phải một chướng ngại, bước hụt chân trên hành trình ấy, ta thảng thốt bám lấy ai? Gọi tên ai? Muốn tựa nương vào ai? Câu hỏi dễ vậy thôi nhưng nhiều khi rất khó trả lời".
Bà cũng nói thêm, nhiều người chọn mãi mới ra được người mình nghĩ đến đầu tiên rồi phát hiện mình không cần người này nữa, dù biết họ là người quan trọng trong đời mình. Thấy mình không còn cần đến sự giúp đỡ của người ta, cũng chẳng muốn chia sẻ với người ta mấy chuyện buồn bực trong lòng. Lúc đấy lại ngơ ngác hoang mang: Vậy là mình còn cần nhau nữa không?.
Chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng mạng xã hội cũng đang gặp khó khăn trong chuyện chia sẻ với bạn đời hoặc với cha mẹ, con cái. Tiến sĩ Tô Nhi A nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xa cách về mặt cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình dẫn đến việc lo lắng về mối quan hệ.
Để tìm lời giải cho tình trạng này, chúng ta có thể đọc vị tình trạng mối quan hệ thông qua làm bài kiểm tra. Qua đó, mỗi người đều tìm được những giải pháp được cá nhân hóa cho tình trạng mối quan hệ của bản thân.
Ý Yên