Tại buổi làm việc của Thường trực thành uỷ Hà Nội với Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) sáng 15/7, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhắc lại quan điểm của thành phố về việc kiên quyết xử lý các công trình vi phạm quy định PCCC, trong đó có biện pháp cắt điện, nước.
Theo ông Sửu, thành phố sẽ có thông báo kết luận với 79 chung cư vi phạm PCCC mà Sở Cảnh sát PCCC công bố cuối tháng 5. Trong đó, thành phố sẽ xử lý điểm một đến ba công trình.
Quy trình cưỡng chế các công trình vi phạm đang được Sở cảnh sát PCCC xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7.
“Những công trình đang xây dựng chưa đưa vào sử dụng, UBND TP sẽ ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan không cấp điện, nước. Đơn vị nào cố tình cấp nước, điện thì người đứng đầu sẽ bị xử lý hình sự”, ông Sửu nói.
Cũng theo Phó chủ tịch thành phố, tới đây lãnh đạo quận, huyện, phường, xã cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ trên địa bàn, “không thể để tình trạng công trình mấy chục tầng vi phạm PCCC lại nhảy lên bờ không có trách nhiệm gì cả”.
Lãnh đạo chính quyền Hà Nội cũng khuyến cáo người dân khi mua chung cư, cần tìm hiểu rõ tính pháp lý của khu nhà, trong đó có việc đảm bảo an toàn PCCC.
Phó chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, trong 79 chung cư vi phạm PCCC, thành phố báo cáo đã xử lý 7 trường hợp. Với 72 công trình còn lại, 71 công trình chưa có dân vào ở, một công trình đang xây dựng.
Ông Tuấn cho rằng, một trong những biện pháp răn đe với chủ đầu tư có công trình vi phạm là không giao dự án mới. Nhưng thực tế, nhiều chủ đầu tư của 79 công trình vi phạm nêu trên vẫn được giao dự án mới. Do đó, ông đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư kiểm tra lại việc này, phải xây dựng cả phương án di dời dân và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục xong mới cho dân vào ở lại.
“Cần phải có thông điệp mạnh mẽ. Nếu xử lý không nghiêm lại có dự án khác vi phạm”, ông Tuấn nói.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, chủ đầu tư không thực hiện các quy định về PCCC thì phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho nhân dân và các tổ chức.
Ông Hải đề nghị, nếu phát hiện chung cư vi phạm thì cơ quan chức năng phải đưa trang thiết bị vào để đảm bảo an toàn cho dân, chi phí sẽ do người vi phạm chi trả. Nếu chỉ xử phạt hành chính, mức phạt không đủ tính răn đe. Hơn thế, sau khi xử lý hành chính, nếu xảy ra cháy nổ, trách nhiệm vẫn là phía chính quyền.
“Một chung cư, kể cả đảm bảo các phương tiện PCCC thì khi bị cháy nổ vẫn tiềm ản nguy cơ thiệt hại. Nếu không được trang bị đủ, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều”, ông Hải nói.
Lãnh đạo thành ủy yêu cầu các đơn vị liên quan phân công rõ trách nhiệm xây dựng quy trình cưỡng chế, thời gian hoàn thành, để xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm.
Danh sách 79 chung cư vi phạm quy định PCCC
Võ Hải