Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty điện lực Hà Nội, việc cắt điện trong tháng 3 chủ yếu để sửa chữa đường dây. Sang tháng 4 này, với mức dự báo thiếu hụt trên 10 triệu kWh (tương đương mức tiêu thụ điện một ngày của cả thành phố), việc cắt điện sẽ được thực hiện gắt gao hơn.
Theo đó, cả các quận trung tâm cũng sẽ bị cắt luân phiên từ 5h sáng đến 18 hoặc 20h tối.
Hiện, công ty điện lực Hà Nội được Tập đoàn điện lực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu ở mức 14,3 triệu kWH một ngày. Trong khi, những ngày cao điểm, mức tiêu thụ của thủ đô lên đến 17-18 triệu kWh. Với dự báo về tình hình thời tiết mùa hè năm nay, Hà Nội sẽ thiếu điện đến hết tháng 6.
Công nhân điện lực Hà Nội cắt điện ở nội thành. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó phòng thi đua - tuyên truyền Điện lực Hà Nội, cho biết, cắt điện là việc bất đắc dĩ. Hàng năm, mức tiêu thụ điện của thủ đô tăng trên 15% trong khi mức cung không được cải thiện. Đây là năm thứ tư liên tiếp, điện lực Hà Nội tiến hành cắt điện tiết giảm.
"Chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp lịch cắt điện để đỡ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Không có nơi nào bị cắt điện hai ngày liên tiếp", bà Huệ nói.
Trước phản ánh của người dân về việc cắt điện không đúng theo lịch trong thời gian vừa rồi, bà Huệ khẳng định: "Không có chuyện không thông báo mà lại cắt. Chỉ có một vài trường hợp chúng tôi cắt điện sớm hoặc đóng muộn hơn thông báo do có trục trặc phát sinh trong quá trình bảo dưỡng đường dây".
Công ty Điện lực Hà Nội khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện như máy sấy, bàn là, bình nóng lạnh, máy giặt… trong giờ cao điểm buổi tối (18h đến 22h).
Khi mất điện, người dân không nên bật sẵn các thiết bị điện để chờ, tránh nguy cơ chập, cháy khi có điện trở lại. Đồng thời, việc này cũng giúp hệ thống không bị quá tải khi vừa đóng điện vì cùng một lúc nhu cầu sử dụng tăng đột biến.
Nguyễn Hưng