Tiêm văcxin cho gia cầm. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Giải thích cho sự khẩn thiết phải ban hành văn bản này, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh nói: "Từ năm 1995, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về giết mổ gia cầm đảm bảo vệ sinh, nhưng sau 10 năm tình hình không biến chuyển. Đơn cử khu vực Kim Liên (Hà Nội), một bên là trường học, một bên là chợ bán gia cầm sống, rất nguy hiểm".
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đỗ Quý Doãn ủng hộ cần thay đổi tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm cho đảm bảo vệ sinh, nhưng nếu chỉ quy định chung chung là người chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền xã mà không có chế tài xử phạt thì rất khó thực thi. Ý kiến này được đa số thành viên Ban chỉ đạo đồng tình và đề nghị nâng cao tính pháp lý của văn bản thành dạng quyết định hay chỉ thị, đưa thêm các chế tài xử phạt (đã có nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y).
Về việc kêu gọi tài trợ, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của Việt Nam. Quan điểm của họ là phải triệt mầm bệnh. Tuy nhiên, để tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế thì Việt Nam phải đưa ra con số tài trợ cụ thể. Bộ Ngoại giao dự định huy động các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc vận động tài trợ cho công tác cúm gia cầm.
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong tháng 10 đã có 2 điểm phát dịch. Tại Đồng Tháp, ngày 3/10, 400 trên tổng đàn 600 con vịt của gia đình ông Trần Văn Dứt đã bị chết. Tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, đàn vịt hơn 1.000 con cũng chết rải rác. Qua xét nghiệm, cả hai đàn thuỷ cầm trên đều cho kết quả dương tính với cúm gia cầm.
Về việc nhập khẩu văcxin phòng cúm, Cục Thú y cho biết, đến ngày 25/10, Công ty thuốc thú y trung ương (Navetco) đã nhập 20 triệu liều văcxin và phân cho các tỉnh theo thứ tự ưu tiên: đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng. So với nhu cầu 260 triệu liều tiêm trong năm nay, số thuốc nhập về còn quá ít. Do đó, thời gian tới sẽ còn tình trạng gia cầm... chờ văcxin.
Như Trang