Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, với mức lợi nhuận trên, SCIC chuyển nộp ngân sách Nhà nước gần 1.800 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2013, tổng công ty quản lý danh mục đầu tư gồm 369 doanh nghiệp, giá trị sổ sách trên 14.000 tỷ đồng, giá trị thị trường hơn 74.000 tỷ đồng (tăng 3.000 tỷ đồng so với cuối tháng 9/2013). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đạt khoảng 18,7%, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2012.

SCIC quản lý danh mục đầu tư có giá trị thị trường trên 74.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2013, SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách. Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy, SCIC đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, tổng số tiền đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.
Năm 2014, lãnh đạo SCIC đề ra mục tiêu tăng cường nghiên cứu, mua lại phần vốn thoái ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty tại một số ngân hàng; tăng cường quản trị doanh nghiệp, nâng cao công tác người đại diện…
Mới đây, Thủ tướng ký phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015, mục tiêu sẽ giữ lại không quá 100 doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của ông lớn này. Trong đó, SCIC sẽ nắm giữ và đầu tư dài hạn tại 4 doanh nghiệp đang mang lại cổ tức hàng nghìn tỷ đồng gồm Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Sữa Việt Nam (Vinamilk), Dược Hậu Giang, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và thoái vốn tại 376 doanh nghiệp, như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...
Cũng theo đề án, vốn điều lệ của SCIC đến năm 2015 sẽ tăng lên 50.000 tỷ đồng, từ mức 5.000 tỷ đồng quy định trong điều lệ thành lập năm 2005.
Phương Linh