Trao đổi với báo chí cuối ngày 30/11, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải thích các thắc mắc liên quan đến những thông tin của đợt bán vốn nhà nước lần đầu tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (Mã CK: VNM) sẽ được tổ chức sắp tới, đặc biệt là việc khống chế mức trần đăng ký mua và mức giá khởi điểm cho đợt chào bán.
Theo ông Chi, việc ấn định mức đăng ký mua tối đa với một nhà đầu tư (2,7% vốn điều lệ Vinamilk) nhằm đảm bảo theo chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là bán rộng rãi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, để nhiều người có thể tiếp cận và sở hữu cổ phiếu của Vinamilk. "Đây cũng là lý do SCIC không áp mức đăng ký mua tối thiểu mà chỉ thực hiện theo quy định của HOSE để đảm bảo cả những nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia", ông Chi nói.
Bên cạnh đó, đấu giá cổ phần tại Vinamilk cũng là lần đầu tiên SCIC thực hiện công bố thông tin về việc đấu giá trên các hãng tin, hãng thông tấn quốc tế như Bloomberg, Reuters hay Wall Street Journal. Tổng công ty cũng tổ chức các buổi giới thiệu tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và London để giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Vinamilk. Theo chia sẻ của ông Chi, sau các buổi giới thiệu đã có 20 nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm, trong đó có 10 nhà đầu tư sau buổi gặp tại Singapore đã liên hệ trực tiếp với ban lãnh đạo của Vinamilk để tìm hiểu cụ thể.
Trước lo ngại về việc cho dù đặt ra mức trần đăng ký mua nhưng nhiều nhà đầu tư thuộc cùng một tổ chức có thể đặt mua hoặc tình trạng bán lại của nhà đầu tư sau khi đấu giá cho một tổ chức duy nhất, ông Chi cho rằng, việc giao dịch sau đấu giá là việc làm không trái luật của nhà đầu tư và là quá trình bình thường trên thị trường chứng khoán. Do vậy, SCIC khó có thể kiểm soát quá trình này mà chỉ đặt ra việc khống chế khi đăng ký mua đấu giá.
Liên quan đến mức giá chào bán tối thiểu, đại diện của SCIC cho biết, mức giá 144.000 đồng một cổ phiếu được tính toán dựa trên căn cứ về định giá đối với cổ phiếu Vinamilk cũng như các giao dịch trung bình trong thời gian 30 phiên, 60 phiên và 90 phiên.
"Phương án bán vốn lần này đã được SCIC nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng đã đạt được sự thống nhất với Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) xoay quanh câu chuyện lựa chọn phương án hợp lý", ông Chi nhận định.
Theo thông báo của SCIC, phiên đấu giá cổ phần của Vinamilk sẽ được tổ chức vào sáng ngày 12/12 tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia và nộp tiền đặt cọc từ ngày 28/11 đến 9/12.
Minh Sơn