Ngày 26/11, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) thông báo tạm ngưng dịch vụ Internet Banking (truy vấn thông tin tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn...) qua website cho khách hàng cá nhân từ ngày 12/12.
Thay vào đó, nhà băng này khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng (app) ngân hàng điện tử để thực hiện các giao dịch trực tuyến. Họ cũng lưu ý khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip để đăng ký, sử dụng dịch vụ này.
Trong tháng 11, SCB cũng điều chỉnh hạn mức chuyển tiền nhanh Napas 247 xuống tối đa 10 triệu mỗi lần trên ngày, áp dụng tại quầy và kênh ngân hàng trực tuyến. Hạn mức rút tiền trong nước cũng giảm xuống tối đa 10 triệu đồng mỗi thẻ một ngày. Các mức này giảm chỉ còn một phần mười so với hồi tháng 8 (100 triệu đồng một ngày).
Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ khác của ngân hàng này cũng ngừng, như chính sách ưu đãi đặc quyền cho hội viên SCB Premier, xếp hạng hội viên mới...
Trước khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt vào 10/2022, SCB có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân. Từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, nhà băng này dần thu hẹp quy mô hoạt động, đến nay đã đóng cửa khoảng 100 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát đặc biệt với SCB. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Khó khăn trong cơ cấu nhóm ngân hàng này là việc tìm kiếm tổ chức tín dụng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc. Chưa kể, SCB cũng nhà băng có quy mô lớn gấp nhiều lần so với các ngân hàng từng rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Quỳnh Trang