Trước đó, SBT cũng được Forbes Việt Nam vinh danh "Top 100 công ty đại chúng lớn nhất", "Top 50 thương hiệu dẫn đầu 2020".
Đại diện SBT cho biết, kết quả này đến từ nỗ lực xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và luôn thay đổi.
Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA, cùng với đó là những thay đổi trọng yếu trong chính sách ngành đường. Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.
"Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, SBT vẫn khép lại niên độ với kết quả tích cực trên nhiều khía cạnh, chủ động thích ứng và biến thách thức thành cơ hội", đại diện SBT khẳng định.
Niên độ 2020-2021, công ty vượt mốc tiêu thụ hơn 1 triệu tấn đường. Doanh thu thuần đạt gần 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 784 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch và tăng 53% so với cùng kỳ.
Niên vụ 2021-2022, SBT đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 16.905 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch đưa ra cho niên độ trước.
Kết thúc quý I niên vụ 2021-2022 (giai đoạn từ 1/7/2021 đến 30/9/2021), doanh thu thuần trong quý này của SBT đạt 4.312 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các dòng sản phẩm đường ghi nhận 4.124 tỷ đồng, chiếm gần 96%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 346 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, trong đó phần lớn đến từ hoạt động giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế. Lãi sau thuế 195 tỷ đồng trong quý I tăng gấp đôi so cùng kỳ.
Sau hơn 50 năm gắn bó với cây mía, SBT sở hữu mía từ hơn 66 nghìn ha đất nông nghiệp ở 3 quốc gia Đông Dương, cung cấp hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế mỗi năm.
"Người tiêu dùng ngày càng đặt ra yêu cầu cao vềchất lượng của các sản phẩm mới, ngoài việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe, còn phải được sản xuất với tác động tối thiểu đến môi trường. Đó là lý do trong suốt thời gian qua chúng tôi luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược kinh doanh "xanh", tham vọng mở rộng thị trường quốc tế", bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch HĐQT SBT chia sẻ.
Theo đại diện SBT, công ty tập trung phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị cây mía, chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, tối ưu hóa giá trị cây mía khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, SBT chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp ong mắt đỏ phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản...
Công ty đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững, đứng vững trước các biến động và góp phần xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững,
Niên độ tới, công ty đặt mục tiêu đẩy mạnh kết hợp tất cả các hoạt động vào khung quản trị ESG. Hoạt động quản trị sẽ bao gồm các chủ đề về bền vững chuyên biệt, phấn đấu đến những chỉ số tài chính "xanh" và thiết lập một hệ thống triển khai đồng bộ và nhất quán, minh bạch và cung cấp thông tin rõ ràng hơn nữa cho các bên liên quan.
Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Campuchia và Lào thêm từ 10.000 - 20.000 ha, trọng tâm là vùng nguyên liệu organic. Diện tích vùng nguyên liệu mía của SBT đang vào khoảng 66.000 ha.
"Công ty đang phát triển vùng nguyên liệu tại Lào để có thể hướng tới sản xuất 100.000 tấn đường organic mỗi năm, khi nhu cầu tại các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế là trên 500.000 tấn đường organic. Diện tích mía organic hiện tại của SBT hiện đạt hơn 6.000 ha, hướng đến 14.000 ha vào niên vụ 2025-2026", bà Đặng Huỳnh Ức My cho biết.
Phong Vân