Luật sư tư vấn
Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH), sảy thai là một trong những trường hợp lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Thời gian nghỉ việc tối đa khi sẩy thai được quy định như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi.
- 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Khoản 1, khoản 2 Điều 39 Luật BHXH cũng quy định, mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật BHXH được tính như sau:
- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật BHXH là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, vợ anh vẫn được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong vòng tối đa 40 ngày, trong đó bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết và nghỉ hàng tuần. Đồng thời, vợ anh sẽ được trả tiền lương cho số ngày nghỉ đó với mức bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ thai sản. Trường hợp vợ anh đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Luật sư Huỳnh Ái Chân
Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha