Anh Nam làm truyền thông cho công ty bất động sản, thường xuyên đi tiếp khách và uống rượu. Với anh, công việc "thành hay bại đều trên bàn nhậu". Trước đây, anh có thể ngồi uống rượu liên tục, không say, thậm chí rất tự tin với tửu lượng của mình. Gần đây, anh thường mệt mỏi, đau đầu về sáng, nói "cơ thể như trúng độc". Anh tìm mua nhiều thực phẩm chức năng, uống giải rượu, tình trạng không cải thiện.
"Tình trạng này còn mệt hơn là say ngay khi uống", Nam nói. Nhiều lần, anh chủ động gây nôn để rượu đỡ ngấm vào, sau đó lại uống tiếp. Anh đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, loét dạ dày, HP, gan nhiễm mỡ, yêu cầu bỏ rượu. "Bỏ rượu coi như bỏ việc", anh cho biết, thêm rằng đây là tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" của mình.
Tương tự, anh Sơn 30 tuổi, lắc đầu khi nhớ lại những lần say nguội của mình và nói lần nào cũng mệt hơn say tại bàn. "Dạ dày thì nôn nao chỉ chực ói, còn chóng mặt, đau đầu, ám ảnh mùi cồn", anh kể những lần phải cố dậy đi làm trong trạng thái "nửa tỉnh, nửa mê" vào hôm sau, đến uống nước lọc cũng gai ớn người.
Nhiều người khuyên "không uống thì không say", song anh Sơn cho rằng trên bàn nhậu không thiếu lý do để chúc rượu, thậm chí xem "ép rượu là văn hóa" nên buộc phải uống. Nhiều người trước khi cụng ly còn ra tiêu chuẩn "trăm phần trăm" hay "không say không về". Chưa kể, mọi người thường có thói quen rủ nhau đi nhiều tăng, uống lẫn lộn bia rượu, càng khiến cơ thể mệt mỏi.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, ghi nhận nhiều người gặp phải tình trạng như trên, gọi là say nguội, đến bệnh viện khám vì đau đầu, mệt mỏi, chán ăn... Nguyên nhân chính dẫn đến say nguội hay cảm giác nôn nao là do tác động của ethanol - thành phần chính trong rượu.
"Mỗi một loại rượu chứa nồng độ ethanol khác nhau, thành phần khác nhau nên tác động lên cơ thể cũng khác nhau, tùy thuộc sức khỏe, tuổi tác, cân nặng, giới tính và di truyền", bác sĩ Nghĩa nói.
Tình trạng say nguội này không chỉ phụ thuộc vào ngưỡng hấp thu của cơ thể, mà còn phụ thuộc số lượng rượu uống và nồng độ cồn (ethanol) trong rượu. Trung bình mất khoảng một giờ để cơ thể phân hủy một đơn vị rượu. Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống.
"Say nguội không hẳn do tửu lượng, nhưng người tửu lượng tốt có thể say chậm hơn nên có xu hướng uống nhiều rượu hơn", bác sĩ nói.
Khi vào cơ thể, rượu ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động truyền tin của các tế bào thần kinh, nhất là hệ thần kinh cấp cao, dẫn đến tình trạng ức chế thần kinh và làm cho người uống rượu muốn đi ngủ. Tuy nhiên, sau khi ethanol được đào thải dần khỏi cơ thể, bộ não thoát khỏi ức chế và hoạt động lại với tình trạng bị kích thích nhiều, dẫn đến tình trạng vật vã và kích thích. Ngoài ra, rượu còn ảnh hưởng đến các hormone liên quan đến nhịp điệu sinh học làm cho chúng ta ngủ không sâu giấc, gây cảm giác nôn nao sau thức dậy càng thêm trầm trọng.
Rượu ức chế sự giải phóng vasopressin, một loại hormone do não sản xuất để gửi tín hiệu đến thận khiến người uống rượu khát nước, chóng mặt, khô miệng và đau đầu. Các chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa của ethanol như acetaldehyde gây đau bằng cách tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh trung ương hoặc gián tiếp qua các chất tín hiệu gây đau đầu. Rượu kích thích niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết axit, gây nên cảm giác buồn nôn và khó chịu ở dạ dày.
Các thành phần khác trong rượu cũng gây nên các biểu hiện nôn nao, như congener - một chất tạo ra trong quá trình lên men rượu. Congener nồng độ càng cao, càng dễ gây nên các biểu hiện nôn nao cho người uống.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết tùy vào khả năng đào thải, ngưỡng cá thể chịu đựng khác nhau dẫn đến hiện tượng say sớm hoặc say muộn hơn. Có người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện ngay. Một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu sau khi ngủ dậy.
Đa số người uống rượu đều nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, buồn nôn, khát nước, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, đổ mồ hôi. Các triệu chứng này có thể xảy ra trong quá trình uống rượu hoặc sau vài giờ, thậm chí kéo dài cho tới ngày hôm sau, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống sau khi uống rượu.
Nhiều người nghĩ say nguội chứng tỏ sức khỏe tốt hơn. Song, theo bác sĩ, rượu bia là đồ uống chứa cồn, không một bộ phận cơ thể nào không chịu tác động của rượu khi bạn uống, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, đến gan, thận, tim, dạ dày. Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, đặc biệt là hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém, tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay, giảm trí nhớ.
Rượu bia còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng tình dục, sức khỏe sinh sản...
"Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống, mà phụ thuộc vào lượng cồn uống và tốc độ uống", bác sĩ nói thêm.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), lạm dụng rượu bia, đặc biệt tâm lý sát phạt nhau trên bàn nhậu, vừa đánh mất nét văn hóa tốt đẹp vừa không tốt cho sức khỏe. Đây còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả và tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện giao thông say xỉn mất kiểm soát.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận 46% số ca tử vong là do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan). Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp. Với những người uống liều nhỏ và từ từ, chất cồn gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào. Đây là nguyên nhân gây các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, đái tháo đường...
Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo triệu chứng mệt mỏi say rượu sau một đến hai ngày có thể cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu, không nên chủ quan. Thông thường, sau vài giờ đầu uống phải cồn công nghiệp methanol, người bệnh chỉ có cảm giác say giống say rượu thông thường. Sau khoảng một đến hai ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, tình trạng nguy kịch.
Theo bác sĩ Nghĩa, các triệu chứng mất nước hay rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi do thiếu năng lượng. Để giảm triệu chứng mệt mỏi, bạn có thể bổ sung dinh dưỡng, ăn rau và chất xơ, hạn chế đồ đạm tránh tiết axit dạ dày thêm gây buồn nôn và nôn. Không nên dùng thuốc giảm đau chứa acetaminophen, vì rượu có thể phối hợp để làm tổn thương gan trầm trọng.
Một số thức uống giải rượu tốt như nước ép cà chua, gừng, nước mía, chanh pha mật ong, nước lọc, nước dừa. Không uống các đồ có ga và nên ăn no trước khi uống. Tuy nhiên, giải rượu chỉ giúp người say tỉnh táo nhanh chóng và đỡ mệt hơn nhưng vẫn không thể làm giảm đi tác hại của rượu với cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
Nên tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường. Khi có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, cần tới bệnh viện khám và điều trị kịp thời.
Thùy An
*Tên nhân vật được thay đổi